Rút ngắn thời gian giao dịch cổ phiếu và tiền về tài khoản của nhà đầu tư từ T+3 xuống T+2, đồng thời cho phép giao dịch chứng khoán T+0, tức giao dịch trong ngày đối với các cổ phiếu trong VN-30 và Hnx-30, hay nói cách khác
cho phép bán khống ở mức độ thấp là nội dung cơ bản của dự thảo lần thứ 4 Thông tư Hướng dẫn về giao dịch chứng khoán thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đưa lên trang web để lấy ý kiến các thành viên thị trường giữa tuần trước.
Chủ tịch SSC ông Vũ Bằng nói với TBKTSG rằng trong ba lần dự thảo trước, các ý kiến đóng góp của thành viên thị trường, giới đầu tư, công chúng đã được đưa vào chỉnh sửa, bổ sung trong dự thảo lần này, nên chỉ còn lại một số chi tiết rất nhỏ.
Ông nhấn mạnh các bước chuẩn bị để Bộ Tài chính ban hành thông tư đã xong, cơ sở hạ tầng công nghệ của Trung tâm Lưu ký chứng khoán và của các công ty chứng khoán đủ điều kiện cho những cải cách giao dịch đã sẵn sàng.
“Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để thông tư mới được ban hành và thực hiện ngay cuối tháng 6 này”, ông Bằng cho biết.
Khoanh vùng giao dịch trong ngày
Giao dịch trong ngày được dự thảo thông tư định nghĩa “là giao dịch theo phương thức thanh toán thông thường. Theo đó, sau khi đã mua hoặc bán, nhà đầu tư có trách nhiệm bán hoặc mua một lượng chứng khoán tương đương để bù trừ cho giao dịch đã thực hiện trước đó trong cùng ngày giao dịch. Việc thanh toán được thực hiện giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư dựa trên chênh lệch giá sau khi bù trừ các giao dịch đối ứng”.
Trong định nghĩa trên có hai chủ thể là nhà đầu tư và công ty chứng khoán. Vai trò của công ty chứng khoán ở đây là cho nhà đầu tư vay cổ phiếu để bán và theo dõi việc họ mua lại để bù cho số lượng đã bán. Việc bán rồi mua, rồi lại bán cổ phiếu tiếp, mua tiếp có thể diễn ra liên tục nhiều lần (nhiều vòng) trong trường hợp thanh khoản tốt và lượng cổ phiếu mà công ty chứng khoán có thể lo liệu từ các nguồn (tự doanh, sắp xếp từ các khách hàng khác) dồi dào.
Vậy những công ty nào được tham gia cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày? Có bốn điều kiện: được cấp phép đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán; có vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ từ 800 tỉ đồng trở lên; không lỗ hai năm gần nhất + tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu 220%; không trong quá trình sáp nhập, giải thể, kiểm soát đặc biệt.
Đối chiếu các điều kiện, các công ty niêm yết lọt vào danh sách là SSI (Công ty Chứng khoán Sài Gòn), HSC (Công ty Chứng khoán TPHCM), VND (Công ty Chứng khoán VN-Direct), AGR (Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). CTS (Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương) hội tụ đủ ba điều kiện, riêng vốn điều lệ mới 790 tỉ đồng.
Tuy nhiên AGR hiện đang là cổ đông tổ chức lớn nhất nắm giữ khoảng 10% cổ phần của Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Trong trường hợp GPBank được Ngân hàng Nhà nước mua lại theo phương án 0 đồng, lợi nhuận của AGR có thể bị ảnh hưởng.
Để cạnh tranh, các công ty chứng khoán khác sẽ phải chạy đua nhằm đáp ứng đủ điều kiện. Những cuộc thanh lọc thông qua hợp nhất, sáp nhập sẽ diễn ra nhanh hơn và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu khối chứng khoán. Nhờ giao dịch trong ngày, những công ty hàng đầu như SSI, HSC có khả năng đột phá về doanh thu, lợi nhuận, số lượng khách hàng. Sự phân hóa sẽ mở rộng và khoảng cách giữa nhóm đầu và nhóm cuối sẽ giãn ra.
Vì sao bây giờ?
Giao dịch trong ngày sẽ áp dụng cho 60 công ty niêm yết trên hai sàn trong rổ VN-30 và Hnx-30, vốn chiếm tỷ trọng lớn về giá trị vốn hóa, thanh khoản thị trường. Điều này vừa hợp lý vừa chưa hợp lý. Sự chưa hợp lý ở chỗ không ít cổ phiếu trong Hnx-30 có quy mô vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ cổ phiếu có thể giao dịch thấp hơn so với nhiều cổ phiếu trong tốp VN-50 hay VN-60 của Hose.
Để thuận tiện cho thị trường và nhà đầu tư, nên chăng áp dụng một tiêu chí lựa chọn chung tất cả cổ phiếu hai sàn, sau đó chọn ra khoảng 60 công ty đáp ứng các tiêu chí đó, không cần chia đều 30 công ty mỗi sàn. Có thể số công ty ở Hose 45, trong khi từ Hnx chỉ 15. Việc này không khó, chỉ cần một bộ lọc các doanh nghiệp niêm yết theo tiêu chí được áp dụng là xong.
Ngoài giao dịch trong ngày, việc rút ngắn thời gian giao dịch cổ phiếu và thanh toán tiền xuống T+2, là sự tiến bộ vượt bậc của thị trường. Vòng quay ngắn thì tốc độ quay sẽ nhanh và thanh khoản sẽ mau chóng được cải thiện. Chắc chắn khối lượng giao dịch 500 triệu đơn vị/ngày của Hose sẽ cán đích ngay khi T+2 và T+0 được thực hiện.
Thanh khoản sẽ là chìa khóa mở đường, đưa chứng khoán trở thành kênh hút vốn, kênh đầu tư của nền kinh tế. Chỉ cần thanh khoản đạt tầm cao mới, vị thế của chứng khoán Việt Nam trong khối Asean sẽ khác. Ít nhất khoảng cách quá xa giữa chứng khoán Việt Nam và chứng khoán các nước Asean sẽ được rút ngắn lại.
Thanh khoản cũng sẽ giải quyết được một phần bức xúc của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Lâu nay các tổ chức ngoại tầm cỡ vẫn đứng ngoài thị trường vì khối lượng, giá trị giao dịch của Hose chưa ở mức đủ cao để họ giải ngân. Nếu giá trị giao dịch của Hose được nâng lên 250-300 triệu đô la Mỹ/ngày (khoảng 5.000-6.000 tỉ đồng/ngày), gấp 2,5-3 lần mức bình quân hiện nay, họ sẽ cân nhắc đầu tư.
Nhấc được rào cản thanh khoản đòi hỏi phải gỡ bỏ rào cản thứ hai là room (giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài). Nới room tới 100% cho những ngành nghề không nằm trong danh mục Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối phải gấp rút. Đừng để nước ngoài mang tiền vào, nhìn thanh khoản tốt, nhưng vì hết room nên không thể mua.
Không thể không đặt ra câu hỏi: giao dịch T+2 và T+0 liệu có quá khó đến mức bây giờ mới có thể tiến hành? Vì sao nó đã không được áp dụng sớm hơn một vài năm trước? Rõ ràng mấu chốt không phải là công nghệ. Bây giờ làm được và các nước đã làm trước Việt Nam nhiều năm, thì không thể đổ lỗi cho công nghệ hay thiếu đầu tư công nghệ.
Vấn đề chính là ở tư duy nhận thức và quyết tâm phát triển thị trường chứng khoán của cơ quan quản lý Bộ Tài chính nói riêng, Nhà nước nói chung. Chỉ đến khi chứng khoán đã ở bước đường cùng, bảy năm trời không qua nổi ngưỡng 650 điểm và khi mà ngành tài chính đang khó khăn với thu chi ngân sách, với cải cách doanh nghiệp nhà nước, với thị trường trái phiếu, với nợ công, vay mượn nước ngoài, thì chứng khoán mới được chú trọng như một trong những cứu cánh cuối cùng để huy động nguồn lực xã hội.