Tiếp tục câu chuyện về tác động của TPP với thị trường chứng khoán Việt Nam, PV Vinanet có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Hồng Điệp, chuyên gia chứng khoán độc lập.

- PV: Cuối năm 2006, đầu năm 2007, Việt Nam ký kết WTO đã khiến dòng vốn nước ngoài đổ mạnh vào TTCK Việt Nam, và Vn-Index đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử. Ở thời điềm hiện tại, khi Việt Nam vừa mở room vừa hoàn tất đàm phán TPP, theo ông, cơ hội có mở ra 1 con sóng thần như thời kỳ 2007 không?

Ông Nguyễn Hồng Điệp
: Khi Việt Nam gia nhập WTO, TTCK còn rất mới mẻ. Số lượng doanh nghiệp niêm yết còn khá ít, vốn còn rất nhỏ. Mặc dù TPP, nếu nhìn một cách khách quan, sẽ tác động mạnh mẽ hơn WTO. Nhưng để kỳ vọng một cơn sóng thần lên đến 1.172 điểm như đầu năm 2007, e rằng sẽ rất khó xảy ra. Tôi cho rằng hoàn cảnh hiện tại đã hoàn toàn khác xưa. 

Thế nhưng, dù không thể tăng đột biến, nhưng TTCK sẽ rất tích cực trong thời gian dài tới đây. Có thể sự tăng trưởng sẽ bền vững hơn. Theo quan điểm cá nhân của tôi, Vn-index có thể sẽ đạt 650 vào cuối năm 2015, đầu 2016.

- Thời điểm này, khối ngoại có xu hướng bán ròng. Theo ông, tại sao lại xảy ra hiện tượng trên khi mà thị trường liên tiếp đón nhận thông tin nới room và TPP? Có chăng, cả 2 thông tin trên đều không hấp dẫn?

 

 "Hiệp định TPP sẽ là chất xúc tác tốt cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam khi hội nhập tốt hơn vào kinh tế toàn cầu, nhiều FDI hơn, cơ hội xuất khẩu nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng tôi không có kế hoạch đầu tư trực tiếp vào những lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ TPP, vì những lĩnh vực này thường hướng đến xuất khẩu và đây không phải là lĩnh vực trọng tâm của chúng tôi". Ông Chris Freund, Tổng Giám đốc Mekong Capital.

 

Việc khối ngoại liên tiếp có động thái bán ròng trong nhiều ngày qua, liên quan nhiều đến những biến động của nền kinh tế Trung Quốc, giá dầu mỏ, và đặc biệt là thông điệp tăng lãi suất của FED. Nhưng FED đã đưa ra lộ trình cụ thể, với những bước đi khá thận trọng. Hy vọng đà bán ròng của khối ngoại sẽ dừng lại.

Thị trường thời gian tới chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Sẽ có những tác động nhất định khi FED chính thức tăng lãi suất. Ngay cả Hiệp định TPP sẽ còn có những chao đảo trong việc thông qua tại quốc hội Mỹ và một số nước. Tất cả những điều này có lẽ sẽ tạo ra những cơn sóng nhất định. Nhưng nhìn tổng thể, TTCK sẽ có xu hướng đi lên trong nhiều năm tới đây.

- Hiện tại mọi người đều chú ý đến mặt tích cực của TPP. Tuy nhiên nếu nhìn trên góc độ thận trọng, theo ông, ngành nào sẽ gặp khó khăn sau khi TPP thông qua? 

Khi TPP chính thức được thông qua hoàn toàn (dự kiến khoảng từ 1-2 năm), nhóm ngành của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất là chăn nuôi. Với công nghệ còn lạc hậu, giống nuôi chưa có nhiều cải tiến, khả năng người chăn nuôi ở Việt nam sẽ gặp rất nhiều thách thức. 

Ngoài chăn nuôi, mía đường cũng sẽ là ngành không có nhiều gam màu sáng. Giá đường sẽ giảm. Nhìn chung, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải nghiêm túc vạch ra chiến lược mới cho phù hợp với tình hình cạnh tranh.

Ngành dịch vụ cũng sẽ gặp một số thách thức trong sự tranh canh quốc tế. Ngược lại với ngành dịch vụ, một số sản phẩm thuốc sinh học do được bảo hộ bản quyền trong thời gian từ 5-8 năm, cho nên có khả năng người tiêu dùng sẽ phải trả cho một số loại thuốc với giá đắt hơn.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, TPP sẽ mang lại sự tăng trưởng GDP, thu nhập đầu người cũng sẽ tăng cao. Rõ ràng, cơ hội lớn hơn nhiều so với thách thức.

- Với cơ hội mở từ TPP, theo ông, nhóm ngành nào chịu ảnh hưởng tích cực từ TPP? Ngoài dệt may và thủy sản, có ý kiến cho rằng hạ tầng và bất động sản sẽ hưởng lợi lớn sau khi TPP được thông qua. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

Đương nhiên, nhóm ngành xuất khẩu là nhóm sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ TPP. Các nhóm như dệt may, da giày, thủy sản, sẽ có những cơ hội tăng trưởng rất to lớn. Đây chính là thế mạnh của Việt Nam. Ngoài những yếu tố trực tiếp từ nhóm ngành xuất khẩu, việc sử dụng các nguyên liệu nội khối của TPP, cũng sẽ làm giảm sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung quốc. Kích thích tăng trưởng thương mại, cũng sẽ mang lại những tín hiệu tốt đẹp cho ngành vận tải biển, logistic, bảo hiểm.

TPP sẽ tăng thu hút đầu tư nước ngoài nên sẽ có một làn sóng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Nhiều nhà máy mới, văn phòng sẽ được phát triển, điều này sẽ tác động lớn đến Bất động sản nội địa. Các công ty hạ tầng sẽ có rất nhiều cơ hội mới. Nhà đất sẽ có nhu cầu thực sự. Nhất là từ ngày 1/7/2015, khi Luật đất đai mới đã có hiệu lực.  Bất động sản sẽ tan băng, thậm chí còn có giai đoạn tăng nóng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Khổng Chiêm