Chia sẻ tại Hội thảo “Giới thiệu về pha xăng đạt tiêu chuẩn xăng dầu mức 4 và 5”, do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Nhiên liệu sạch châu Á (ACFA) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tổ chức mới đây, các diễn giả cho hay, trên thế giới và một số quốc gia châu Á đang áp dụng tiêu chuẩn khí thải ở mức 4 như Ấn Độ, Philippines, Malaysia hay mức 5 như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Song để đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải ở mức 4 và 5 thì việc bảo đảm chất lượng nhiên liệu đáp ứng yêu cầu của động cơ tiêu chuẩn khí thải euro 4 và 5 là điều kiện bắt buộc, trong đó khâu pha chế đóng vai trò chủ chốt. Theo xu hướng hiện nay trên thế giới, các quốc gia đang gia tăng sử dụng các thành phần nhiên liệu sạch để cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ môi trường, bao gồm MTBE, Alkylate và ethanol (cồn). Tuy nhiên, tiêu chuẩn xăng toàn cầu hiện nay còn thiếu tính đồng bộ. Một số các quốc gia châu Á thì sử dụng ê-te, một thành phần pha chế để gia tăng trị số octan làm nhiên liệu sạch. Trong khi Thái Lan và Philippines là hai nước bắt buộc sử dụng ethanol để pha chế nhiên liệu.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011 về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ôtô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, trong đó, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 được áp dụng từ ngày 1/1/2017 và tiêu chuẩn khí thải mức 5 được áp dụng từ ngày 1/1/2022. Dự kiến, xăng pha ethanol (xăng E5) cũng sẽ được sử dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, thay thế hoàn toàn cho xăng A92 từ ngày 1/1/2018.
Ông Dieter Kumbrach - Giám đốc điều hành Công ty DK & Associates - cho rằng, việc chuyển từ E2 lên E4 sẽ dẫn đến giảm hàm lượng lưu huỳnh, chất thơm, ben – zen và olefin trong xăng. Điều này không chỉ tốt cho động cơ của máy mà còn cải thiện đáng kể chất lượng không khí, rất cần thiết đối với thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng ở Việt Nam và cần thiết để khắc phục tình trạng gia tăng các bệnh về hô hấp trong cộng đồng. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn mới sẽ có giá thành cao hơn, việc tăng giá nhiên liệu là điều người dân không mong muốn.
Về vấn đề áp dụng xăng E5 hay E10 tại Việt Nam, ông Dieter Kumbrach phân tích, sáng kiến nhiên liệu sinh học hỗ trợ cho ngành trồng trọt, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, giảm nhập khẩu và giảm thất thoát ngoại tệ. Bên cạnh đó, do nguồn cung sẵn có sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn trong các ứng dụng khác và thị trường xuất khẩu… Song, điều này cũng đặt ra các lo ngại về mặt kỹ thuật đối với việc pha trộn ethanol, vì liên quan đến tách nước và áp suất hơi; đòi hỏi các công ty xăng dầu và các đơn vị pha chế phải đầu tư vào khâu tiếp vận, trang thiết bị lưu trữ…
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã có những động thái cụ thể như việc ban hành Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, trong đó có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và mức 5. Những văn bản đó thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương):
Tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội mà mỗi nước sẽ quyết định chọn chất pha xăng dầu để đạt tiêu chuẩn xăng dầu riêng. Với Việt Nam, lựa chọn ưu tiên nhất phải bảo đảm chất lượng tốt hơn cho môi trường, từ đó góp phần phát triển bền vững đất nước.
Nguồn: Thanh Tâm/Báo Công Thương điện tử