Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu gỗ và lâm sản nửa đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc với trị giá xuất khẩu ước đạt trên 7,68 tỷ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong đó, Mỹ ước đạt trên 5 tỷ USD, tăng trên 99% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản đạt 0,73 tỷ USD, tăng 11%; Trung Quốc đạt 0,82 tỷ USD, tăng 22,9%; EU đạt 0,68 tỷ USD, tăng 54% và Hàn Quốc đạt 0,76 tỷ USD, tăng 7%.

Ngành sản xuất, xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam đang có nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Ảnh: N.Thanh

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) phân tích, nhu cầu tiêu dùng tại nội địa của Mỹ như xây dựng, nhà ở ngày càng tăng cao. Điều này thúc đẩy việc nhập khẩu các sản phẩm gỗ và đồ gỗ để phục vụ cho xu hướng tiêu dùng “làm việc tại nhà, từ xa”, khi nguồn cung trong nước không đáp ứng được. Các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội này.
Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu phía Mỹ, dựa trên nhu cầu của người Mỹ. Họ chủ yếu đặt mua các mặt hàng làm từ rừng trồng (keo/tràm, cao su, thông) và gỗ có nguồn hợp pháp.
Việt Nam hiện tự chủ được 60-70% nguồn nguyên liệu đầu vào. Gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ là các sản phẩm làm từ gỗ rừng trồng trong nước như: Cao su, keo/tràm, thông, ván công nghiệp,…và nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ, EU. Trong đó, nguồn nguyên liệu trong nước chiếm tới 60-70% tổng trị giá khẩu sang Mỹ.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp thông tin thêm, trị giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ có tăng nhưng tăng trên tinh thần minh bạch. Thứ nhất là nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu là nguồn nguyên liệu trong nước. Đối với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đa số đều được nhập khẩu ở những nước có nền quản trị tốt và có hồ sơ đầy đủ.
Trong đó, đối với những loại gỗ nhập khẩu theo Công ước CITES đều được kiểm soát và đối khớp với giấy phép nước xuất khẩu là hợp pháp. Ngoài ra, tháng 9/2020, Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP, trong đó, giao cho Bộ NN&PTNT ban hành quyết định về vùng địa lý tích cực và loài rủi ro. Việc này giúp sàng lọc những loài, vùng địa lý và việc này vẫn đang được triển khai.
“Việc sử dụng các loài có yếu tố rủi ro trong các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 0,1% trong tổng trị giá xuất khẩu sang thị trường này”, đại diện Viforest cho biết.
Một số chuyên gia nông nghiệp đánh giá, tăng trưởng xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ đã và đang tiềm ẩn một số khía cạnh chưa bền vững, thậm chí rủi ro, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu đầu vào.
Đáng chú ý, một số mặt hàng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cao ở các nước khác, đã và đang có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam như mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm hay mặt hàng ghế ngồi bọc nệm.
Để ngành gỗ phát triển bền vững, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các mặt hàng rủi ro; đồng thời cần tổ chức các cuộc hội thảo quốc gia nhằm cung cấp thông tin về các khía cạnh rủi ro trong chuỗi cung cho các bên liên quan...
Liên quan rủi ro về gian lận thương mại, Bộ NN&PTNT nêu rõ, hiện các bộ, ngành đang tiến hành các cuộc đàm phán, làm việc với phía Mỹ. Tất cả các cuộc điều tra, các yêu cầu của Mỹ, phía Việt Nam đều đã đáp ứng trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị.
“Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và có những phiên trao đổi, đàm phán với phía Mỹ để họ có thể hiểu rõ bản chất vấn đề và sớm khép lại việc điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 đối với việc nhập khẩu và sử dụng gỗ của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho hay.

Nguồn: haiquanonline.com.vn