Với giá trị này, Samsung hiện đóng góp tới 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn Việt Nam. Theo số liệu mới nhất, tổng mức đầu tư của Samsung tại Việt Nam đã lên đến hơn 14 tỷ USD, trong đó có 2 dự án nhà máy ở Thái Nguyên, Bắc Ninh (tổng mức đầu tư 7,5 tỷ USD), Khu phức hợp TP.HCM 1 tỷ USD đang xây dựng và nhà máy sản xuất màn hình Samsung Displays vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Bắc Ninh (trị giá 3 tỷ USD).
"Hiện tại, các model ĐTDĐ mới nhất của Samsung đều được sản xuất tại SETV. Các nhà máy của Samsung tại Việt Nam cũng được đầu tư trang thiết bị, máy móc mới nhất - hơn tất cả các nhà máy khác của Tập đoàn trên toàn cầu", Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, ông Han Myoung Sup nhấn mạnh.Trong buổi gặp gỡ với báo giới ngày 2/10, ông Lee Cheol Ku, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Hành chính Nhân sự của Công ty Samsung Electronics Vietnam Thai nguyen (SEVT) cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, hai nhà máy tại Bắc Ninh (SEV) và Thái Nguyên (SEVT) đang tuyển dụng gần 120.000 lao động người Việt. Dự kiến đến hết năm 2016, quy mô nhân sự sẽ tăng thêm 10.000 - 20.000 lao động mới, chạm mức 140.000 lao động.
Cũng theo thống kê, tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm Samsung hiện nay là 36%. Có 254 doanh nghiệp đang cung ứng cấp 1 thì trong đó có 119 doanh nghiệp Việt. Số các doanh nghiệp thuần Việt tham gia chuỗi cung ứng của Samsung là 41 doanh nghiệp, bao gồm cả cấp 1 và cấp 2.
Samsung cũng đã liên tục đầu tư, mở rộng quy mô của trung tâm Nghiên cứu & Phát triển di động (SVMC) tại Việt Nam. Trung tâm này được đặt tại Hà Nội, với quy mô hiện tại khoảng 1585 kỹ sư, cán bộ và dự kiến sẽ tăng lên 2600 người sau 3 năm nữa. SVMC chỉ nghiên cứu về phần mềm và đang triển khai khoảng 180 dự án các loại, phục vụ thị trường Đông Nam Á, New Zealand và Úc. Thị phần tại 11 thị trường này hiện chiếm 10% tổng thị trường phần mềm - giải pháp toàn cầu của Tập đoàn.
Trước đó, trong cuộc làm việc giữa ông Han Myoung Sup với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son hồi đầu tháng 9, Bộ trưởng đã đánh giá cao việc Samsung Việt Nam đầu tư mạnh cho Trung tâm R&D tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng đây là một chiến lược phát triển bền vững, thể hiện rõ thiện chí của Tập đoàn đối với Việt Nam.
Không những vậy, đây còn là nơi tuyển dụng các tài năng chất lượng cao của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng chất xám, nguồn nhân lực công nghệ cao trong nước. Đặc biệt, đây còn là hình ảnh cụ thể để các doanh nghiệp, cả trong nước lẫn quốc tế đầu tư vào Việt Nam có thể từ đó nhận thức được rằng, muốn phát triển bền vững phải đầu tư thích đáng cho R&D, Bộ trưởng khẳng định.