Dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới hoạt động thương mại, dịch vụ
Thông tin nhanh tại Họp báo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại thời gian qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, bước sang tháng 4, tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam đã bắt đầu thể hiện rõ.
Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP chỉ tăng 1,8%, là mức tăng thấp trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, bước sang Quý II, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu hàng hóa sụt giảm mạnh. Các chỉ tiêu về xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm đều cho thấy chịu tác động khá lớn từ dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, đánh giá trong bối cảnh chung cho thấy, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu âm (trong khi nhiều nước chịu tác động của dịch bệnh sau nước ta) thì việc Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dương và bảo đảm thặng dư cán cân thương mại trong 4 tháng đầu năm cho thấy nỗ lực rất lớn của địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. (Trong 3 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 1,39%; Nhật Bản giảm 5,5%; Singapore giảm 3,3%; Ấn Độ giảm 12,7%...).
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn Bộ Công Thương chủ trì Họp báo
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, Bộ đã chủ động xem xét, ban hành nhiều Chỉ thị, Quyết định để chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang ở giai đoạn kiểm soát tốt hơn, để chủ động triển khai công việc của Bộ trong thời gian tới, kịp thời có các biện pháp vừa tiếp tục phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ Công tác để xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc đầu cơ trục lợi, vận chuyển lợn trái phép
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề giá thịt lợn, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (TTTN) thông tin, giá thịt lợn “nóng” từ năm 2019 tới nay, được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, quan tâm và vào cuộc. Từ cuối 2019, lồng ghép với công tác bình ổn thị trường, Vụ TTTN đã trình Lãnh đạo Bộ ký nhiều văn bản gửi các địa phương về công tác bình ổn thị trường dịp Tết, cũng như trong giai đoạn chống dịch để bình ổn các mặt hàng thiết yếu cũng như mặt hàng thịt lợn.
Ngày 17/3, Vụ TTTN đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trung ương về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn mặt hàng thịt lợn, theo đó, đề nghị các địa phương chỉ đạo và có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tập trung nguồn lực, tiết giảm chi phí, giảm giá thành, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.
Theo bà Lê Việt Nga, thịt lợn là mặt hàng có chuỗi cung ứng rất đặc biệt, có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, nhiều loại hình doanh nghiệp, vì vậy, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 21/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành.
Giải thích thêm về biến động giá thịt lợn hiện nay trên thị trường, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, bản chất của thịt lợn hiện nay là vấn đề cung cầu, nguồn cung thiếu rất rõ. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng năm 2019 so với năm 2018 đã thiếu 20-21% tổng thể đàn lợn cũng như sản lượng thịt cung cấp cho thị trường.
“Chúng ta phải theo cơ chế thị trường giữa cung và cầu” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ Công Thương vẫn phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong nhiều nội dung, nhiệm vụ, kể cả nguồn nhập khẩu. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại các nước giới thiệu những đầu mối nhập khẩu đảm bảo chất lượng, giá cả phong phú, có sự chọn lựa để doanh nghiệp trong nước có thể nhập khẩu.
Thứ trưởng khẳng định, các doanh nghiệp nhập khẩu không cần qua bất cứ Bộ nào, chỉ duy nhất qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y, Chi cục thú y vùng để làm giấy phép, mang ra hải quan để làm thủ tục nhập khẩu.
Người phát ngôn Bộ Công Thương chia sẻ, hy vọng cuối năm nay, tình hình về giá thịt lợn sẽ ổn định, như thời điểm năm 2018. Bộ Công Thương đã chỉ đạo lượng Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc đầu cơ trục lợi, vận chuyển lợn trái phép kể cả có hiện tượng việc xuất khẩu lợn ra nước ngoài.
Đảm bảo công khai minh bạch thông tin về tình hình của ngành điện
Thông tin về câu hỏi của phóng viên báo Tuổi trẻ TP HCM và VTV về nội dung giá điện, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo EVN và các Sở Công Thương về việc giảm giá điện trước tình hình dịch Covid-19 để giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương đảm bảo trong năm 2020 sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ các đơn vị Điện lực cũng như các hoạt động điện lực của Tập đoàn EVN và các đơn vị thuộc ngành điện để đảm bảo giá điện luôn công khai minh bạch. Trong Quý III cũng như Quý IV này, theo định kỳ và theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ có đợt kiểm tra giá thành điện và sau đó sẽ công bố rộng rãi thông tin một cách minh bạch cho dư luận hiểu rõ về tình hình của ngành điện.
Về tình hình cung ứng điện trong 2020, ông Trần Tuệ Quang cho biết, do dịch bệnh và việc thực hiện giãn cách xã hội thời gian vừa qua, tình hình phụ tải ngành điện có giảm so với kế hoạch mà Bộ Công Thương đã đặt ra từ đầu năm. Mặc dù còn khó khăn về tình hình cung ứng nguyên liệu than, khí, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị EVN luôn cập nhật kế hoạch nhu cầu phụ tải từ nay đến cuối năm đảm bảo sẵn sàng cho các nhà máy điện với khả năng cao nhất, bám sát tình hình cung ứng nhiên liệu, triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống hạn hán trong nước, đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.
Đối với việc sửa biểu giá bán lẻ điện, đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho hay, từ tháng 6/2018 Bộ Công Thương đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi biểu giá bán lẻ điện. Bộ cũng đã xin ý kiến của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan để làm rõ tình hình thực tế của biểu giá bán lẻ điện mà chủ yếu là biểu giá bán lẻ sinh hoạt.
Ông Trần Tuệ Quang nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với EVN, cuối năm nay sẽ trình Thủ tướng văn bản hoàn chỉnh và sau khi Thủ tướng phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ ban hành Thông tư thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Đẩy mạnh xúc tiến trái vải trên môi trường trực tuyến
Chia sẻ tại Họp báo, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, Cục Xúc tiến thương mại đã thực hiện thành công nhiều hội nghị giao thương trực tuyến, được các doanh nghiệp trong và ngoài nước ủng hộ, như Hội nghị với Tứ Xuyên (Trung Quốc) tập trung xúc tiến các sản phẩm phòng chống dịch Covid, Hội nghị giao thương hàng hóa nông sản giữa Việt Nam với Quảng Tây (Trung quốc), Hội nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ…
Phản hồi về câu hỏi phóng viên báo Kinh tế đô thị về việc xúc tiến tiêu thụ trái vải, ông Hoàng Minh Chiến cho biết, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã giao Cục làm việc trực tiếp với các địa phương (Bắc Giang), tổ chức hội nghị xúc tiến cung cầu quả vải. Dự kiến hội nghị này tổ chức vào đầu tháng 6, chính mùa vụ vải của Bắc Giang. Hội nghị sẽ được tổ chức trực tuyến, đầu cầu tại Bắc Giang, kết nối 62 tỉnh thành và với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) - là 2 tỉnh tiêu thụ chính trái vải Việt Nam tại thị trường Trung Quốc
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đồng tình với các đề xuất tổ chức giao thương trực tuyến của Cục và cho rằng, không chỉ trong thời kỳ Covid-19 mà việc ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng bắt buộc trong quản lý, kinh doanh, phải tận dụng và làm tốt hơn.
Hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng và các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong nước
Liên quan đến kiến nghị tạm ngưng nhập khẩu xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương rất chia sẻ với khó khăn của tất cả các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Dầu khí, nơi có 2 nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn. Đây không phải 2 nhà máy xuất khẩu dầu thô mà dùng dầu thô để chế biến các sản phẩm xăng dầu thành phẩm để bán hoặc xuất khẩu. Chúng ta có 33 đầu mối để nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam thực hiện theo Nghị định 83 của Chính phủ, có nghĩa họ đáp ứng với yêu cầu của Nghị định sẽ được phép là đầu mối trực tiếp xuất nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, trong trong 3 tháng vừa qua họ cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Ngay trong nước, giá xăng đầu đã điều chỉnh giảm 8 lần liên tiếp, gần đây nhất lần thứ 9 mới tăng vừa phải. Trong đó, xăng E5 chỉ tăng 578 đồng/lít, RON95 chỉ tăng 604 đồng/lít.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng như báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định. Quan trọng nhất là cần hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong nước là đầu vào.
“Chính vì vậy, mong các doanh nghiệp, các đối tượng chia sẻ quyền lợi một cách hài hòa, quan trọng nhất là đảm bảo chung tất cả các quyền lợi, kể cả quyền lợi của nhà nước cũng như quyền lợi của các đối tượng liên quan.” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.