8h ngày 13/8/2015, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng cổ phần của Công ty TNHH Một thành viên Thăng Long GTC.
Được biết Thăng Long GTC có vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa là 1.228 tỷ đồng, chào bán lần đầu ra công chúng 33.882.300 cổ phần (tương đương 27,59% cổ phần) với giá khởi điểm 10.600 đồng/cp.
Về kết quả đăng ký đấu giá, có 18 nhà đầu tư trong đó có 2 nhà đầu tư tổ chức đã đặt mua 102.502.100 cổ phần, gấp 3 lượng chào bán ban bầu. Trong đó 2 tổ chức đặt mua 67.764.600 cổ phần Thăng Long GTC, tương đương mỗi tổ chức này muốn mua toàn bộ số cổ phần chào bán, 16 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 34.737.100 cổ phần, bình quân mỗi nhà đầu tư cá nhân muốn mua hơn 2,17 triệu cổ phiếu.
Thời hạn nộp phiếu đấu giá chậm nhất 16 giờ 00 phút ngày 11/08/2015.
Cổ đông chiến lược Thung lũng vua
Sở dĩ Thăng Long GTC trở nên “hot” như vậy là nhờ hàng chục nghìn m2 đất công ty đang sở hữu và quản lý cũng như vốn góp tại các khách sạn lớn trên địa bàn như khách sạn Hilton (30%), khách sạn Intercontinental (25%), BigC Thăng Long (35%), khách sạn Mercure (94 Lý Thường Kiệt), tòa nhà 115 Lê Duẩn...
Mảng kinh doanh chính của công ty là kinh doanh hàng hóa XNK, các mặt hàng nguyên liệu sản xuất bia như malt, mạch, hoa huplon..và Inox nguyên liệu, mảng kinh doanh này chiếm hơn 55% doanh thu năm 2014. Mảng kinh doanh vận tải lữ hành chiếm 18% doanh thu.
Về mảng kinh doanh khách sạn công ty đang sở hữu khách sạn Eastin Easy GTC Hà Nội tại 27 Quốc Tử Giám, khách sạn 1 sao Bắc Nam ở 105 Lê Duẩn và nhà nghỉ 70 Nguyễn Khuyến nhưng hiệu quả không cao. Công ty cho thuê tòa nhà 115 Lê Duẩn gồm 7 tầng, tòa nhà 87-89 Lê Duẩn 222m2 cao 3 tầng, tòa nhà 94 Lý Thường Kiệt đang cho VinaCapital thuê dài hạn 20 năm, tòa nhà chung cư 15-17 Ngọc Khánh, cho thuê kho tại chợ Ngã Tư Sở…
Ngoài ra, trong phương án cổ phần hóa Thăng Long GTC, công ty mẹ Hanoitourist sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ từ 100% xuống 45%, đấu giá ra bên ngoài 27,59%, chào bán cho cổ đông chiến lược 27%. Và cổ đông chiến lược ở đây đã được xác định là công ty TNHH Thung lũng vua, do bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Seabank làm tổng giám đốc.
Thung lũng vua thuộc sở hữu của tập đoàn BRG do bà Nga sáng lập. Tập đoàn BRG (BRG Group) đầu tư và hoạt động tập trung chủ đạo vào lĩnh vực Tài Chính - Ngân hàng và sân Gôn với các công ty thành viên và các đơn vị liên kết có uy tín tại Việt Nam và quốc tế, mà tiêu biểu là Sân gôn Kings’ Island Golf Resort (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội - Thung lũng vua), Sân gôn Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Đồ Sơn, Hải Phòng), Sân gôn Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội).
Với sự xuất hiện của BRG, diện mạo của Thăng Long GTC sắp tới chắc chắn sẽ có sự thay đổi.
Về kết quả kinh doanh của Thăng Long GTC, mặc dù vốn nghìn tỷ song năm 2012 công ty này lãi hơn 40 tỷ, năm 2013 lãi gần 23 tỷ, năm 2014 lãi hơn 50 tỷ.
Theo Thăng Long GTC, nhiều địa điểm đất kinh doanh của Công ty quá nhỏ và không thuận lợi để kinh doanh như: 70 Nguyễn Khuyến; 105 Lê Duẩn hay đang trong diện giải tỏa như: Kiot tại chợ Ngã Tư Sở; Nhà hàng 1150 Đường Láng; Khách sạn Eastin Easy GTC Hà Nội…
Nhiều đơn vị kinh doanh hiệu quả kinh doanh kém như: Chi nhánh Hải Dương; Khách sạn Eastin Easy GTC Hà nội; Khách sạn 105 Lê Duẩn; Du lịch Sông Hồng.
Nhiều địa điểm đất đang cho thuê dài hạn: Khách sạn Mercure- 94 Lý Thường Kiệt; Khối đế tòa nhà Chung cư 15- 17 Ngọc Khánh. Nên không có cơ hội để Công ty tự kinh doanh.
Thăng Long GTC thường chiếm tỷ lệ vốn thiểu số (từ 5- 35%) trong các công ty Liên doanh, liên kết nên không có quyền chi phối và điều hành các Doanh nghiệp liên doanh, liên kết này.
Có những liên doanh vốn lớn nhưng đang gánh khoản lỗ và nợ rất lớn như: Công ty TNHH làng Nghi Tàm (Khách sạn InterContinental Westlake Hanoi); Công ty TNHH Liên doanh Đại Chân trời…
Có hai Công ty liên doanh nước ngoài còn đang trong giai đoạn triển khai và chờ đợi khởi sắc của thị trường như: Công ty TNHH Pacific Thăng Long và Công ty TNHH Thăng Long Property.
Công ty kỳ vọng sau khi cổ phần hóa sẽ có thêm vốn để thực hiện các dự án mới như xây chung cư ở Xuân Đỉnh.
Hoàng Ly