Giảm được 25% công nợ
Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông Vận tải), đến nay Công ty mẹ Vinalines đã xử lý, giảm nợ được gần 3.700 tỷ đồng, tương đương với 25% công nợ; trong đó gồm cả các khoản nợ trong nước và nước ngoài. Giải pháp xử lý các khoản nợ trên chủ yếu là tổ chức bán nợ thông qua Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và một phần nhận hoán đổi các khoản thoái vốn của Vinalines để “cấu trừ nợ”.
Chia sẻ về quá trình đàm phán giảm được 1/4 số công nợ vừa qua, Tổng giám đốc Vinalines Lê Anh Sơn cho biết: “Đó là chặng đường vô cùng khó khăn từ cuối năm 2013 đến nay. Có những khoản nợ ngân hàng nước ngoài phải đàm phán rất căng thẳng theo đúng nghĩa thị trường.”
Với các khoản nợ còn lại, Vinalines đang tập trung đàm phán với một số ngân hàng lớn như Vietinbank, ACB, VPbank... Tổng số dư nợ của Vinalines tại các ngân hàng này khoảng 3.000 tỷ đồng. Thời gian tới, Vinalines sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ tại các tổ chức tín dụng theo hình thức bán nợ cho DATC hoặc cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hoặc chuyển nợ thành vốn góp tại Công ty mẹ và một số doanh nghiệp thành viên.
Theo nhận định của ông Lê Anh Sơn, việc đàm phán chắc chắn có nhiều khó khăn, song Vinalines sẽ quyết tâm xử lý, thương thuyết, đàm phán với các chủ nợ. Tổng công ty xác định việc xử lý tái cơ cấu giảm nợ, giãn nợ đến nay không chỉ là vấn đề thực hiện mục tiêu đề án tái cơ cấu, mà là vì chính sự sống còn của doanh nghiệp.
Liên quan đến việc giải quyết vấn đề công nợ của Vinalines, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, để thành công, công nợ phải đưa về mức có thể chấp nhận được, quanh mức 3.000 tỷ đồng. Vấn đề tái cơ cấu tài chính Vinalines được Chính phủ xác định là nhiệm vụ chính trị, phải có quyết tâm cao nhất.
Về tiến trình cổ phần hóa Công ty mẹ Vinalines, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Nguyễn Cảnh Tĩnh, cho biết, Tổng công ty đã hoàn thành việc xây dựng phương án cổ phần hóa, đang chờ ý kiến chỉ đạo, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, cố gắng bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong quý III năm nay. Vinalines cũng đã tiến hành cổ phần hóa 5 doanh nghiệp thành viên là các Cảng: Nghệ Tĩnh, Cần Thơ, Năm Căn, Cam Ranh và Sài Gòn.
Như vậy, Vinalines đã hoàn thành toàn bộ kế hoạch cổ phần hóa 12 doanh nghiệp thành viên theo đúng đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, Vinalines đã hoàn thành thoái vốn tại 11 doanh nghiệp với số tiền thu về gần 1.257 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp thoái vốn lên 32 với tổng số tiền thu về gần 1.800 tỷ đồng, bảo toàn được vốn đã đầu tư.
Vẫn còn nhiều gánh nặng
Theo báo cáo của Vinalines, 6 tháng đầu năm nay, mặc dù Công ty mẹ đã có lãi 124 tỷ đồng nhưng theo Tổng giám đốc Vinalines Lê Anh Sơn, “các khoản nợ lớn vẫn là gánh nặng đè lên nỗ lực thoát lỗ của các đơn vị”, toàn Tổng công ty dự kiến lỗ 197 tỷ đồng (không bao gồm các đơn vị đang thực hiện thủ tục phá sản).
“Lỗ còn lớn hơn rất nhiều, nếu toàn Vinalines không nỗ lực hết sức, tập trung cho hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm, toàn bộ đội tàu của Vinalines, không tàu nào phải ngừng hoạt động vì thiếu nguồn hàng. Rất nhiều giải pháp đã được áp dụng giúp phát triển thị trường, giữ và thu hút khách hàng, cắt giảm tối đa chi phí” - ông Lê Anh Sơn chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Lê Anh Sơn cũng cho biết, toàn bộ các doanh nghiệp vận tải, hiện chỉ có ba doanh nghiệp còn dương vốn chủ sở hữu nên không lỗ. Số doanh nghiệp còn lại vốn chủ sở hữu không còn, do công nợ lớn nên dù sản lượng, doanh thu tăng trưởng tốt cũng không bù lại được lãi vay. Lỗ ở đây chủ yếu là lỗ lũy kế, do các khoản nợ vẫn rất lớn. Vì vậy, tái cơ cấu nợ là cơ hội sống còn cho doanh nghiệp. Nếu không xử lý được vấn đề này, mọi cố gắng sản xuất kinh doanh cũng “vô vọng”.
Cùng với đó, thị trường vận tải cũng vẫn tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt thị trường tàu hàng khô, đã có lúc chỉ số giá cước hàng khô xuống đến mức thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Trong khi đó, đội tàu hàng khô chiếm trên 80% tổng trọng tải đội tàu Tổng công ty.
Giá dầu dù vẫn ở mức thấp nhưng giá cước vẫn chưa có chiều hướng hồi phục do lượng cầu hàng hóa trên thị trường quá yếu so với lượng cung dư thừa của tàu. Các tàu hàng rời tại thời điểm hiện tại có mức thu không đủ bù đắp chi phí khai thác....
Để giải quyết các khó khăn trên, bên cạnh việc tích cực tìm kiếm các đối tác nước ngoài, Tổng công ty đã triển khai một số hoạt động dịch vụ hàng hải tại thị trường trong nước như: Tìm kiếm cơ hội với các đối tác (Vicem, Vinacafe, Vissai Ninh Bình, Holcim...) để hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh trong khối dịch vụ logistics của Tổng công ty; xây dựng trung tâm điều hành chuỗi dịch vụ door to door và dịch vụ vận chuyển cho các khu công nghiệp như Formosa (Hà Tĩnh), Nghi Sơn (Thanh Hóa)...
Tại một cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, Vinalines muốn “lột xác” cần phải tiếp tục quyết liệt tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn tại các đơn vị. Tập trung rà soát lại hoạt động sản xuất kinh doanh tại khối vận tải biển. Giao kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể cho các cảng biển làm sao phải nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, đổi mới hoạt động tại các cảng biển. Đồng thời, Tổng công ty cũng phải tiếp tục tìm kiếm, phát triển thị trường; tập trung đầu tư vào khâu bốc xếp tại các cảng biển, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ.
Theo Quang Toàn
Vietnam+