Cụ thể, tại Cần Thơ, nhu cầu cá tra nguyên liệu cỡ 650-850 gr/con ở mức 19.200-19.500 đ/kg (trả chậm) và 19.000 đ/kg (trả tiền mặt). Tại Đồng Tháp, cá tra nguyên liệu cỡ 700 gr/con ở mức 19.400-19.600 đ/kg (trả chậm) nhưng nhu cầu yếu. Tại An Giang, giá cá tra nguyên liệu cỡ 700 gr/con ở mức 20.000-20.500 đ/kg (trả chậm)
Giá tôm sú nguyên liệu tại ĐBSCL tháng 9 vẫn chững ở mức thấp. Tại Sóc Trăng, tình hình dịch bệnh trên tôm vẫn diễn biến phức tạp, lượng tôm trong dân ít và chủ yếu là tôm thẻ cỡ 70-80 con/kg. Trong khi đó, nhu cầu tôm cỡ lớn thấp nên giá tôm sú cỡ lớn giảm mạnh hơn tôm cỡ nhỏ. Giá tôm thẻ công nghiệp loại 40 con/kg ở mức 115-116.000 đ/kg. Với tôm thẻ cỡ 70 con/kg và 100 con/kg ở mức 96.000-97.000 đ/kg và 83.000-84.000 đ/kg.
Tôm sú oxy (tôm sống) loại 30 con/kg ở mức 180.000 đ/kg, tôm sú 30 con/kg đông lạnh ở mức 160.000 đ/kg.
Theo giới kinh doanh trong ngành, nguyên nhân giá tôm nguyên liệu liên tục giảm xuống mức thấp do thị trường tôm gặp nhiều khó khăn, tình hình xuất khẩu không thuận lợi.
Bộ NN và PTNT cũng cho hay, trong 9 tháng qua, thị trường cá tra ảm đạm, giá hiện đang ở mức xấp xỉ giá thành sản xuất. Tuy nhiên, hiện ở một số địa phương, các hộ nuôi cá thể đã tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cá tra khá hiệu quả.
Về tình hình xuất khẩu, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 9 năm 2015 ước đạt 541 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 đạt 4,69 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,23% tổng giá trị xuất khẩu. Trong 8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 799,14 triệu USD, giảm 30,05% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm đáng kể với mức giảm lần lượt là 11,15% và 12,01%.
Xuất khẩu tăng trưởng đáng chú ý ở các thị trường như Thái Lan (tăng 18,94%) và Anh (tăng 18,81%).
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 9/2015 đạt 110 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2015 đạt 829 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường nhập khẩu lớn nhất là Ấn Độ (chiếm 31,8%) tiếp đến là Nauy, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc với thị phần lần lượt là 7,1%, 6,7%, 6,1% và 5,9%. Thị trường có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ là Hàn Quốc (81,9%).
Kiều Linh