Giá xuất khẩu tăng ở hầu hết các thị trường chính
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 843,32 nghìn tấn, trị giá 1,55 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng và giảm 2,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 1.835 USD/tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Trung Quốc.
Đức, Hoa Kỳ và Italia là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 với thị phần lần lượt là 13,8%, 7,8% và 7,3%. Trong 5 tháng đầu năm 2021 giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhất tại Indonesia (+105,7%).
6 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Trung Quốc
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế, 5 tháng đầu năm 2021, Canada tăng nhập khẩu cà phê từ các thị trường Columbia, Việt Nam, nhưng giảm nhập khẩu từ Brazil, Hoa Kỳ, Guatemala, Honduras. Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê lớn thứ 7 cho Canada, đạt 3,41 nghìn tấn, trị giá trên 7 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2021, tăng 1,9% về lượng và tăng 9,6% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2020.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong 5 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu cà phê sang Hàn Quốc đạt 17 nghìn tấn, trị giá 31,4 triệu USD, tăng 2,8% về lượng và tăng 5,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá trung bình xuất khẩu cà phê sang thị trường Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 1.845 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu cà phê chế biến sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 10,4 triệu USD. Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê đứng thứ 2 cho Hàn Quốc.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo, niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê của Việt Nam tăng 1,8 triệu bao lên 30,8 triệu bao, xuất khẩu cà phê nhân dự báo tăng 3,0 triệu bao lên 26,0 triệu bao, giúp giảm nhẹ tồn kho.
Dự báo giá cà phê tiếp tục tăng trong ngắn hạn
Trên thị trường thế giới, hiện giá cà phê thay đổi trái chiều. Sáng ngày 27/7, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 9/2021 được ghi nhận tại mức 1.899 USD/tấn sau khi tăng 0,53% (tương đương 10 USD). Giá cà phê arabica giao tháng 9/2021 tại New York đạt mức 189 UScent/pound, giảm 2,40% (tương đương 4,65 UScent).
Tương tự, thị trường cà phê trong nước biến động tăng cùng xu hướng thị trường cà phê thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá cà phê trong nước biến động tăng với mức tăng từ 1.300 – 1.800 đồng/kg, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên hiện ở mức 33.900 – 34.800 đồng/kg. Sáng ngày 27/7, giá cà phê tiếp tục được điều chỉnh tăng lên khoảng 36.800 - 37.700 đồng/kg.
Sản lượng cà phê tại các nước xuất khẩu chính trong niên vụ 2021-2022 dự báo giảm. Hơn nữa, triển vọng về nhu cầu cũng khởi sắc hơn khi các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 đang được dỡ bỏ tại các thị trường tiêu thụ lớn với các chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 đang tạo ra niềm tin lớn hơn đối với người tiêu dùng vào sự phục hồi kinh tế. Dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn.
Canada là thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ 3 toàn cầu, mức tiêu thụ trung bình 152 lít/người. Người Canada tiêu thụ cà phê ở cả trong và ngoài nhà. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ cà phê của người dân Canada vẫn ổn định. Phân khúc cà phê hòa tan được tiêu thụ mạnh do lệnh giãn cách xã hội.
Theo một nghiên cứu về tiêu thụ cà phê của Canada do Hiệp hội Cà phê Canada thực hiện vào năm 2019 cho thấy, khoảng 82% người dân đã pha chế cà phê tại nhà và có khoảng 2 tách cà phê dành cho những người từ 18 tuổi tiêu thụ mỗi ngày. Do đó, nhu cầu về cà phê hòa tan ngày càng tăng và đang thúc đẩy thị trường tăng trưởng hơn nữa. Nhu cầu về cà phê hòa tan dự kiến sẽ tăng do ngày càng có nhiều người ở tầng lớp lao động bận rộn hơn, do đó, họ ưa thích các loại thực phẩm tiện lợi và đồ uống nhanh vào bữa sáng. Ngoài ra, sự phổ biến của cà phê hảo hạng và sự sẵn có của sản phẩm với các hương vị và khẩu vị khác nhau đang phục vụ cho nhiều đối tượng người tiêu dùng và nhanh chóng trở nên phổ biến ở tầng lớp trung niên và trẻ tuổi, do đó góp phần thúc đẩy thị trường tăng trưởng.
Còn theo Viện Kinh tế Hàn Quốc, mức tiêu thụ cà phê bình quân tính trên đầu người của Hàn Quốc đạt 2,3kg/người/năm. Hiện nay, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mức tiêu thụ cà phê của Hàn Quốc tiếp tục tăng. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng của giới trẻ Hàn Quốc cũng có nhiều thay đổi, tiêu thụ cà phê hòa tan của giới trẻ gia tăng do sức hút của hội nhập, toàn cầu hóa.
Bộ Công Thương đánh giá, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu cà phê tiềm năng của Việt Nam bởi mức tiêu thụ cà phê của quốc gia này chiếm khoảng 6% tổng thị trường cà phê châu Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh những thuận lợi, việc xuất khẩu cà phê đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá cước vận chuyển các tuyến châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục tăng cao, tình trạng thiếu container vẫn không được khắc phục dự kiến kéo dài tiếp trong tháng 7. Các nhà nhập khẩu cà phê không muốn ký hợp đồng FOB (giao hàng tại boong tàu), mà muốn người bán chịu toàn bộ chi phí bao gồm vận tải, bảo hiểm… khiến xuất khẩu cà phê gặp nhiều khó khăn.
Trong nửa đầu năm 2021, đã có khoảng 35% số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chấp nhận chuyển sang giao CIF. Dẫn tới, dù giá CIF hiện đạt bình quân 1.900 USD/tấn cà phê robusta nhưng vì phải chịu thêm giá cước vận chuyển cao ngất ngưởng nên lợi nhuận không tăng.
Mặt khác, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm một số biện pháp kích thích kinh tế do lo ngại lạm phát cao khi giá tiêu dùng trong tháng 6/2021 của khu vực Eurozone tăng 1,9% so với tháng 6/2020, sau khi đã tăng 2% trong tháng 5/2021. Đây có thể là yếu tố kìm hãm đà tăng giá cà phê, cho dù nguồn cung từ các nước sản xuất robusta lớn giảm.

Nguồn: Nguyễn Hạnh/Congthuong.vn