Giá lúa mì mở cửa phiên giao dịch sáng nay đã hồi phục nhẹ trở lại sau chuỗi lao dốc liên tiếp về mức thấp nhất trong vòng 17 tháng qua. Như chúng tôi dự đoán, các số liệu về lúa mì trong báo cáo Cung – cầu tối qua không mang lại yếu tố bất ngờ cho thị trường. Thay vào đó, bối cảnh nguồn cung ổn định tiếp tục đẩy giá suy yếu. Nhưng khác với ngô, những thông tin “bearish” đối với giá ở thời điểm hiện tại đều xoay quanh mùa vụ các nước sản xuất đang trong giai đoạn phát triển như Mỹ và Nga thay vì những kỳ vọng tương lai. Chính vì thế nên mặc dù cùng trong xu hướng giảm mạnh nhưng lực bán lại được đẩy mạnh hơn đối với những hợp đồng lúa mì tháng gần, và ngược lại với ngô, các hợp đồng tháng xa lại ghi nhận mức giá thấp hơn.
Trong báo cáo WASDE, triển vọng cung cầu lúa mì đối với Mỹ vẫn được giữ nguyên so với tháng trước. Còn tại Brazil, sản lượng lúa mì niên vụ 2022/23 lại được dự báo sẽ đạt mức kỉ lục và lần đầu tiên vượt mức 10 triệu tấn. Con số được USDA đưa ra là 10.4 triệu tấn, tăng 5% so với dự báo trong tháng 02. Bang sản xuất lúa mì lớn thứ hai, Rio Grande do Sul (chiếm khoảng 40% sản lượng), đã gieo trồng với diện tích lớn nhất trong 42 năm và thời tiết thuận lợi trong cả mùa vụ dẫn đến sản lượng kỷ lục trên 5 triệu tấn.
Ngoài ra, mùa vụ lúa mì của Kazakhstan cũng được đánh giá tích cực. Sản lượng lúa mì của nước này được dự báo là 16.4 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, vụ mùa lớn nhất kể từ mức kỷ lục 2.7 triệu tấn trong niên vụ 2011/12. Với nguồn cung dồi dào, xuất khẩu lúa mì của Kazakhstan dự báo đạt 10,5 triệu tấn, tăng 2.0 triệu tấn so với năm trước. Kazakhstan là nhà cung cấp chính cả hạt lúa mì và bột mì cho Trung Á. Tình hình nguồn cung nới lỏng trên toàn cầu cùng với kỳ vọng thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen được gia hạn sẽ khiến cho giá lúa mì vẫn tiếp tục duy trì xu hướng giảm.

Thông tin cơ bản tiếp diễn theo hướng “bearish”, giá cà phê khả năng cao sẽ tiếp tục suy yếu trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/03, cả 2 mặt hàng cà phê đều ghi nhận sự đảo chiều so với diễn biến trước đó. Arabica sụt giảm mạnh gần 3% khi nguồn cung đang dần trở nên tích cực hơn và tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE bất ngờ tăng sau 1 tháng giảm liên tiếp. Robusta tăng nhẹ 0.33%, kết thúc chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp trước đó.
Thông tin cơ bản trên thị trường chưa có nhiều cập nhật mới, Arabica khả năng cao sẽ tiếp tục hấp thụ thông tin cơ bản hiện tại. Những tín hiệu tích cực về nguồn cung cà phê với sản lượng tăng 10% trong tháng 2 tại Colombia, việc đẩy mạnh xuất khẩu tại Honduras và Brazil chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch với triển vọng nguồn cung nới lỏng hơn 2 năm trước đó đang giảm bớt dần những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn khi nông dân hạn chế bán hàng trước đó. Điều này khả năng cao sẽ tạo áp lực không nhỏ lên giá.
Cùng với đó, các nhà đầu tư trên thị trường vẫn thiên hướng về việc Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong đợt điều chỉnh vào tháng 3 này, cao hơn mức điều chỉnh của kỳ trước đó với tỷ lệ đặt cược trên CME lên tới 77.1%. Lãi suất cao hơn vừa thúc đẩy nhu cầu bán hàng từ phía nông dân các nước xuất khẩu chính vừa gây áp lực lên nhu cầu tiêu thụ khi người dân có thể sẽ thắt chặt chi tiêu đối với loại hàng hóa không thiết yếu như cà phê. Những tác động trên có thể sẽ kéo giá Arabica tiếp tục suy yếu.

Giá đồng nhiều khả năng giảm xuống dưới mức 4 USD/pound do nhu cầu vẫn yếu tại Trung Quốc
Giá đồng mở cửa phiên hôm nay ngày 09/03 với lực bán áp đảo khi dữ liệu kinh tế mới đây của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất tại nước này vẫn yếu mặc dù kỳ nghỉ lễ đã kết thúc và các nhà máy hoạt động trở lại bình thường. Điều này gây thất vọng cho nhiều nhà đầu tư đã đặt cược vào sự phục hồi trong hoạt động kinh tế của nước này. Do đó, nhiều khả năng giá đồng hôm nay có thể gặp áp lực trở lại do triển vọng tiêu thụ đồng còn yếu và áp lực vĩ mô vẫn còn.
Sáng nay, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Trung Quốc trong tháng 2 đã tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022, tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 2/2022 và thấp hơn so với ước tính tăng 1.9% của giới phân tích. Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục kéo dài đà giảm sang tháng thứ năm liên tiếp. PPI trong tháng 02 ghi nhận giảm 1.4% so với cùng kỳ năm 2022, giảm mạnh hơn so với ước tính giảm 1.3% của các nhà kinh tế. Những dữ liệu kinh tế này làm dấy lên nghi ngờ về tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc, cho thấy nhu cầu tiêu thụ tại đây vẫn còn yếu và gây sức ép tới giá đồng.
Ngoài ra, về yếu tố vĩ mô, hôm nay thị trường sẽ thận trọng chờ đợi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp (NFP) của Mỹ. Đây là một trong những dữ liệu quan trọng có ảnh hưởng tới quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp lãi suất sắp tới. Trước đó, số liệu cơ hội việc làm của JOLTS và báo cáo việc làm của ADP đã cho thấy thị trường lao động của Mỹ vẫn rất tích cực. Do đó, nếu số liệu bảng lương phi nông tối nay vẫn tích cực vượt dự báo của các nhà kinh tế, điều này sẽ tiếp tục làm gia tăng thêm lo ngại lãi suất cao. Đồng USD có thể tiếp tục được đẩy lên cao và gây sức ép tới giá đồng.
Thêm vào đó, nguồn cung đồng toàn cầu có thêm dấu hiệu khởi sắc khi mà tranh chấp giữa Chính phủ Panama và công ty khai thác đồng hàng đầu First Quantum của Canada đã đi đến hồi kết, hai bên mới đây đã đạt được thỏa thuận về hợp đồng vận hành mỏ Cobre Panama, mỏ đồng lớn nhất Trung Mỹ.

Giá dầu có thể tiếp tục suy yếu trước tín hiệu phục hồi chậm của nền kinh tế Trung Quốc
Giá dầu đang ghi nhận những diễn biến tương đối giằng co khi phần lớn các sức ép vĩ mô tác động mạnh đã được phản ánh vào giá trong hai phiên trước. Giá giảm trong phiên hôm qua nhưng khối lượng giao dịch mỏng hơn, có thể cho thấy lực bán yếu dần và tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư khi chờ đợi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ phát hành vào tối mai.
Tuy nhiên, sáng nay, dữ liệu về lạm phát tại Trung Quốc cho thấy nền kinh tế nước này đang phục hồi tương đối chậm, nhiều khả năng vẫn sẽ gây sức ép bán cho thị trường dầu trong phiên hôm nay. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc giảm 0.5% trong tháng 2 so với tháng 1, trong khi chỉ số chỉ số giá sản xuất PPI giảm 1.4% so với cùng kỳ năm ngoái, và đây đang là tháng giảm phát thứ 5 liên tiếp. Khác với các nền kinh tế phương Tây khi lạm phát trở thành mối lo thúc đẩy các hành động thắt chặt tiền tệ, thì chỉ số lạm phát tại Trung Quốc phản ánh một phần bức tranh sản xuất tiêu dùng. Dữ liệu mới đây tiếp tục cho thấy nhu cầu tiêu dùng còn yếu, trong khi đà phục hồi trong hoạt động sản xuất diễn tiến chậm, nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây sức ép tới giá dầu trong phiên hôm nay.
Các quỹ đầu tư đang giảm dần việc nắm giữ tài sản của Trung Quốc. Quỹ đầu tư hàng đầu thế giới PineBridge Global Focus hiện tại chỉ nắm giữ 2 trong tổng số 44 cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông, cho biết những nghi ngại về việc đánh giá quá cao khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc kể từ sau khi mở cửa trở lại. Tiêu dùng, một ưu tiên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vẫn chưa nhận được gói kích thích lớn nào trong cuộc họp Đại hội vừa qua. Các hộ gia đình Trung Quốc đang có khoảng 8 nghìn tỷ NDT (1.1 nghìn tỷ USD) đến 10 nghìn NDT dư thừa trong tiền gửi, nhưng tâm lý tiêu dùng vẫn tiêu cực. Bức tranh tiêu dùng này vẫn chưa thể đem lại động lực bức phá lớn cho các mặt hàng Trung Quốc tiêu thụ nhiều, trong đó có dầu thô.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)