Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng do dự trữ dầu của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến làm bớt đi nỗi lo về ảnh hưởng của virus Omicron đến hoạt động kinh tế.
Theo đó, lúc đóng cửa phiên giao dịch, dầu Brent tăng 1,31 USD, tương đương 1,8% lên 75,29 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,64 USD, tương đương 2,3% lên 72,76 USD/thùng.
Lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến, với dự trữ dầu thô giảm 4,7 triệu thùng, mặc dù nguyên nhân một phần do các công ty cân nhắc về thuế cuối năm nên không tích trữ nhiều dầu thô.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group ở Chicago, cho biết, sản lượng giảm và lượng dầu tồn kho cũng giảm đã mang lại cho thị trường một triển vọng tích cực.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 4,7 triệu thùng vào tuần kết thúc ngày 17/12, mức giảm mạnh hơn dự kiến với dự trữ dầu thô, cho dù kết quả này phần nào là do sự cân nhắc về các khoản đóng thuế cuối năm thường khiến các công ty không tích trữ nhiều dầu thô. Dự trữ xăng của Mỹ tăng mạnh trong tuần trước, làm dấy lên lo ngại rằng nhiều người dân Mỹ đã đột ngột thay đổi kế hoạch di chuyển trước kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh do đại dịch, và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu của nước tiêu thụ xăng lớn nhất thế giới trong thời gian tới. Bob Yawger, Giám đốc mảng năng lượng kỳ hạn tại Mizuho Securities, cho biết: “Dịch Covid-19 hủy hoại nhu cầu xăng chỉ trong một tuần”. Hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể Omicron có gây chết người nhiều hơn biến thể Delta hay không. Việc hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu đã làm tăng thêm lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu nhiên liệu. Đức, Ireland, Hà Lan và Hàn Quốc là một trong số các quốc gia đã tại áp đặt các biện pháp đóng cửa một phần hoặc toàn bộ nền kinh tế, hoặc các biện pháp giãn cách xã hội khác trong những ngày gần đây. Một nghiên cứu từ Nam Phi cho thấy, chủng virus này ít có khả năng khiến người bệnh trở nặng hơn biến thể Delta, một phần là nhờ các biện pháp cứng rắn của các chính phủ trên toàn thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của biến thể này.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng trở lại do đồng USD yếu đi và lo ngại gia tăng về việc virus Omicron có thể ảnh hưởng đến sự hồi phục kinh tế toàn cầu. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.801,24 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 2/2022 tăng 0,8% lên 1.802,20 USD. Các nhà đầu tư cũng đã lưu ý về dữ liệu tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại trong quý III/2021 trong bối cảnh bùng phát đại dịch Covid-19.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại trung tâm Kitco Metals, cho biết, trong khi thị trường lo ngại về ảnh hưởng của biến thể Omicron thì các nhà giao dịch tập trung vào những yếu tố khác như lạm phát gia tăng và chính sách tiền tệ rõ ràng hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chỉ số đồng USD giảm khiến vàng trở nên hấp dẫn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác và lợi tức kho bạc Mỹ cũng giảm. Còn nhà phân tích Avtar Sandu của trung tâm Phillip Futures nhận định với khối lượng giao dịch mỏng và nhiều nhà giao dịch vắng bóng vào dịp cuối năm thị trường thị trường vàng dự kiến sẽ bấp bênh.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 1,2% lên 22,76 USD/ounce, bạch kim tăng 3,8% lên 970,20 USD và palladium tăng 5,8% lên 1.896,01 USD.
Palladium đang trong đợt hồi phục cuối cùng của năm khi sự hồi sinh trong lĩnh vực ô tô đẩy tăng nhu cầu được sử dụng nhiều trong các ống xả động cơ này.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá kim loại cơ bản đồng loạt tăng sau khi một quan chức kế hoạch cấp cao của nhà nước cho biết nước tiêu thụ kim loại hàng đầu Trung Quốc có niềm tin, điều kiện và khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Kết thúc phiên vừa qua, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng tăng 0,7% lên 9.605 USD/tấn, nickel tăng 1,7% lên 19.940 USD, chì tăng 0,9% lên 2.316,50 USD và thiếc tăng 0,1% lên 38.725 USD.
Giá kẽm tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng do lo lắng dai dẳng về nguồn cung, trong khi các kim loại công nghiệp khác cũng được thúc đẩy tăng giá bởi bớt lo ngại về tác động của những hạn chế mới chống đại dịch Covid-19.
Kết thúc phiên này, giá kẽm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) tăng 3,3% lên 3.539 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 21/10.
Naeem Aslam, trưởng nhóm phân tích thị trường của Ava Trade cho biết: “Những người tham gia trường đang xem xét những gì Vương quốc Anh đang làm và thực tế là chúng tôi không thấy bất kỳ hạn chế chống Covid-19 nào nữa ở Anh.”
Cũng theo ông Aslam: "Ngoài ra, chúng tôi có thể thấy sự tắc nghẽn nguồn cung vẫn còn đó trong quý đầu tiên của năm tới. Điều này đã khiến một số nhà giao dịch đặt cược lớn hơn vào cơ hội đó, đẩy giá tăng lên."
Tuy nhiên, giá sắt thép quay đầu giảm do lo ngại về ảnh hưởng của những hạn chế chống Covid-19 ở Trung Quốc và sắp đến giai đoạn trái mùa của lĩnh vực xây dựng tại nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, làm suy giảm nhiệt huyết của nhà đâu từ.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên kết thúc phiên giảm 0,4% xuống 693,5 nhân dân tệ (108,84 USD)/tấn, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng mạnh; quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 1,3% xuống 125,60 USD/tấn. Giá quặng sắt nhập khẩu vào cảng biển Trung Quốc (hàm lượng 62% sắt) đã tăng lên 129 USD/tấn hôm 21/12, cao nhất kể từ 12/10, theo dữ liệu của Công ty tư vấn SteelHome.
Trung Quốc dự kiến sẽ tuân thủ phương pháp tiếp cận nghiêm ngặt này khi Bắc Kinh chuẩn bị đăng cai Thế vận hội Olympic mùa đông, sẽ được tổ chức vào tháng Hai tới. Do đó, nước này duy trì chính sách ‘không khoan nhượng’ đối với các trường hợp nhiễm Covid-19 tại các địa phương, với mục tiêu tiến tới nhanh chóng dập tắt mọi đợt bùng phát dịch ở địa phương bằng cách áp đặt các quy định hạn chế nghiêm ngặt trong việc di chuyển.
Trên thị trường nông sản, giá ngũ cốc Mỹ tăng mạnh lên mức cao kỷ lục nhiều tuần do thời tiết ở khu vực Nam Mỹ chuyển sang khô hạn gây lo ngại về nguồn cung. Lúa mì cũng tăng phiên thứ 5 liên tiếp theo xu hướng giá ngô và đậu tương, đồng thời được hỗ trợ bởi nhu cầu trên toàn cầu đang tăng nhanh và Ukraine đang xem xét các giới hạn đối với xuất khẩu lúa mì. Hoạt động mua vào mang tính kỹ thuật trước kỳ nghỉ lễ cũng góp phần giữ đà tăng giá.
Theo đó, giá đậu tương trên sàn Chicago phiên này tăng 22-1/4 cent lên 13,35 USD/bushel, kéo dài chuỗi tăng sang ngày thứ bảy và đạt mức cao nhất kể từ ngày 25/8.
Giá ngô cũng tăng phiên thứ 2 liên tiếp, tăng 4-1/4 cent và kết thúc ở mức 6,02-1/2 USD/bushel, lần đầu tiên vượt 6 USD kể từ ngày 1/7. Giá lúa mì phiên này cũng tăng 15 US cent lên 8,14 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 3 tháng 12.
Giá đường và cà phê đều tiếp tục tăng trong phiên vừa qua do nguồn cung thắt chặt và sự hồi phục trên thị trường tài chính toàn cầu, mặc dù vẫn còn nỗi lo về sự gia tăng số ca nhiễm virus biến thể Omicron.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 phiên này tăng 0,52 cent, tương đương 2,8%, lên 19,26 cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn tăng 10,80 USD, tương đương 2,2%, lên 502,90 USD/tấn.
Giá cà phê arabica KCc1 giao tháng 3 kết thúc phiên tăng 5,3 cent, tương đương 2,3%, ở mức 2,3355 USD/lb; robusta cũng giao tháng 3 tăng 22 USD, tương đương 0,9% lên 2.339 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua theo xu hướng giá ở Thượng Hải và do đồng yen giảm so với USD ở thời điểm thị trường Nhật đóng cửa.
Giá cao su giao tháng 5 trên Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 2,1 yên, tương đương 0,9%, lên 229,8 yên (2,0 USD)/kg. Cao su giao cùng kỳ hạn trên thị trường Thượng Hải tăng 160 nhân dân tệ lên mức 14.405 nhân dân tệ (2.261 USD)/tấn; cao su Singapore kỳ hạn giao tháng 1 ở mức 168,8 US cent/kg, tăng 0,4% so với phiên liền trước.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khi các ca nhiễm trùng Omicron đang gia tăng trên khắp châu Âu, Mỹ và châu Á, bao gồm cả ở Nhật Bản, nơi một ổ Covid-19 tại một căn cứ quân sự khiến số người nhiễm tăng lên ít nhất 180 ca.
Giá hàng hóa thế giới
 

Nguồn: Vinanet / VITIC / Reuters, Bloomberg