Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng khi nguồn cung dầu tại Mỹ tiếp tục thu hẹp hơn nữa sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020.
Kết thúc phiên này, giá dầu Bent tăng 1,31 USD (tương đương 1,75%) lên mức 76,05 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,23 USD (1,7%) lên 73,62 USD/thùng.
Số liệu từ nhà dịch vụ thông tin Genscape, có trụ sở tại Louisville, Kentucky (Mỹ), cho hay lượng dầu lưu kho tại trung tâm Cushing, bang Oklahoma (Mỹ) tiếp tục đi xuống.
Tính tới chiều 27/7, kho lưu trữ của Cushing có 36.299 triệu thùng dầu, giảm 360.917 thùng so với ngày 23/7. Đây là lần giảm thứ bảy liên tiếp của trung tâm chuyên giao vận các hợp đồng năng lượng kỳ hạn Mỹ này.
Dữ liệu trên được công bố một ngày sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo rằng lượng dầu dự trữ của nước này đã giảm 4,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 23/7.
Ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách thị trường năng lượng của ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cho biết, dầu thô phiên này vẫn duy trì đà tăng giá nhờ số liệu về lượng dầu lưu trữ của Mỹ công bố ngày 28/7.
Bên cạnh đó, thị trường cũng nhận được hỗ trợ từ một đồng USD yếu đi và tín hiệu từ phía Iran rằng sẽ không có thỏa thuận hạt nhân nào sắp được ký kết.
Chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – phiên này giảm 0,41%. Đồng USD yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu của nhà đầu tư đối với các mặt hàng được định giá bằng đồng bạc xanh này, bao gồm dầu thô.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng hơn 1%, sau khi những bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho thấy Fed sẽ không sớm nâng lãi suất.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.830,11 USD/ounce. Trước đó, cũng trong phiên này, giá vàng giao ngay có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 15/7 là 1.832,40 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng Mỹ giao sau tăng 1,8% và khép phiên ở mức 1.831,2 USD/ounce.
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách vừa qua, Ông Powell cho biết kinh tế Mỹ vẫn đang vững đà phục hồi dù số ca mắc COVID-19 đang gia tăng. Ông muốn thấy những số liệu mạnh mẽ về việc làm trong những tháng tới, trước khi cắt giảm các chương trình hỗ trợ cho nền kinh tế. Lãi suất thấp sẽ giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý không sinh lãi như vàng.
Bên cạnh đó, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của USD so với một giỏ gồm các đồng tiền chủ chốt khác đã giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng.
Bộ phận nghiên cứu của ngân hàng ANZ nhận định, sự bất ổn ngày càng gia tăng trong chính sách tiền tệ, lạm phát và nguy cơ biến động trên thị trường chứng khoán sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
kết quả khảo sát của hãng tin Reuters, giá vàng được dự đoán trung bình sẽ ở trên mức hiện tại 1.830 USD/ounce trong thời gian còn lại của năm 2021 trước khi giảm vào năm 2022.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 2,8% lên 25,62 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,1% lên 1.065,61 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng sau khi Fed thông báo chưa vội thắt chặt chính sách tiền tệ và Trung Quốc nỗ lực xoa dịu những lo ngại về các quy định mới về việc siết chặt những quy định đối với đầu tư.
Chứng khoán toàn cầu tăng, theo đó thu nhập của các công ty niêm yết trên sàn tăng mạnh đẩy các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, trong khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mạnh lên và USD giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng, giúp kim loại – tính bằng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Đồng tăng giá cũng bởi một cuộc đình công có thể xảy ra tại một mỏ lớn ở Chile và tiến độ của dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD tại Thượng viện Mỹ.
Theo đó, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London kết thúc phiên tăng 1,3% lên 9.816 USD/tấn, gần sát mức cao kỷ lục 10.747,50 USD đạt được hồi tháng Năm.
Nhiều nhà phân tích dự báo nhu cầu đồng trong lĩnh vực năng lượng và xây dựng sẽ vượt xa nguồn cung trong những năm tới, nhưng với việc giá đã tăng 60% từ đầu năm 2020, khả năng giá sẽ giảm vào cuối năm nay, chuyên gia Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết.
Giá quặng sắt kỳ hạn tại châu Á giảm trong phiên vừa qua do dự báo nhu cầu sẽ giảm đối với nguyên liệu sản xuất thép ở nước mua hàng đầu là Trung Quốc, bất chấp thông báo về việc xuất khẩu từ nhà sản xuất lớn nhất thế giới - Rio Tinto – sẽ giảm thấp.
Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên giảm 1,6% xuống 1.114,50 CNY (172,37 USD), là phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Hợp đồng quặng sắt giao dịch tháng 9 trên Sàn giao dịch Singapore cũng giảm 2,9% xuống 189,90 USD/tấn.
Trong khi đó, giá thép đồng loạt tăng, với thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 2%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 3,3% và thép không gỉ tăng 3,2%.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ tăng vượt 7 USD/bushel lần đầu tiên trong vòng 1 tuần do hạn hán ở đồng bằng phía Bắc vành đai trồng lúa mì vụ Xuân của Mỹ. Theo đó, lúa mì kỳ hạn tháng 9 trên sàn Chicago tăng 16-1/2 cent lên 7,05-1/4 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 7,06-3/4 USD, mức cao nhất kể từ ngày 22 tháng 7. Trên Sàn giao dịch ngũ cốc Minneapolis, lúa mì vụ Xuân kỳ hạn tháng 9 tăng 14-3/4 cent lên 9,18-1/2 USD/bushel.
Giá ngô và đậu tương cũng tăng do lo ngại rằng hạn hán ở các bang sản xuất chủ chốt thuộc Trung Tây nước Mỹ, như Minnesota và Iowa, có thể hạn chế triển vọng sản lượng 2 loại nông sản này. Theo đó, giá ngô kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago tăng 7-1/2 cent lên 5,56-1/2 USD/bushel, đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 16-3/4 cent lên 13,77-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô giảm khỏi mức cao nhất 5 tháng khi các nhà đầu tư xem xét lại các dự báo về thiệt hại của khô hạn và băng giá đối với mùa vụ của Brazil.
Theo đó, đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,31 cent, tương đương 1,7%, xuống 18,30 cent/lb, sau khi có lúc đạt mức đỉnh 5 tháng, là 18,81 US cent; đường trắng giao tháng 10 phiên này cũng giảm 7,10 USD, tương đương 1,5% xuống 451,40 USD/tấn.
Giá dầu cọ Malaysia tăng hơn 2% sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó, do giá đậu tương Mỹ tăng. Dầu cọ kỳ hạn tháng 10 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 123 ringgit, tương đương 2,7%, lên 4.431 ringgit (1.045,79 USD)/tấn.
Giá cà phê arabica giảm cũng do sự điều chỉnh việc mua vào của các nhà đầu tư trong lúc xem xét lại mức độ thiệt hại của băng giá đối với các nông trường cà phê Brazil.
Kết thúc phiên giao dịch, cà phê arabcia kỳ hạn tháng 9 giảm 3,95 cent, tương đương 2,0%, xuống 1,965 USD/lb. Dự báo sẽ có một đợt sương giá ở Brazil vào cuối tuần này, sau khi đã có một đợt ở cuối tuần trước, song sẽ không gây thiệt hại quá lớn.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 phiên này cũng giảm 45 USD, tương đương 2,3% xuống 1.885 USD/tấn, do chịu ảnh hưởng từ việc arabica giảm giá. Giá cà phê nội địa tại Việt Nam, nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới, tăng mạnh trong tuần này, giữa bối cảnh nguồn cung hạn chế vì đã cuối vụ. Xuất khẩu cà phê Việt Nam dự báo giảm.
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua, lên mức cao nhất trong gần ba tuần, do kỳ vọng nền kinh tế Mỹ phục hồi.
Theo đó, cao su kỳ hạn tương lai trên sàn giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 0,6% lên 215,6 yên (1,96 USD)/kg. Trước đó, trong phiên giao dịch này, giá có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 12/7 là 219,9 yên/kg. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn giao dịch nhiều nhất cũng tăng 1,5% lên 13.370 CNY (2.067,96 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 30/7/2021

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg