Khảo sát của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), mỗi năm có hàng ngàn vụ buôn lậu thuốc lá bị phát hiện, hàng triệu bao thuốc lá bị tịch thu và tiêu hủy. Buôn bán thuốc lá lậu thường tập trung ở hai nhãn hiệu phổ biến nhất là Jet và Hero, chiếm hơn 80% thị phần thuốc lá lậu, ngoài ra các nhãn hiệu như: 555, Marlboro, Esse, SAIGON Silver giả mạo…. cũng được các đối tượng nhập lậu nhiều ở các tỉnh phía Nam giáp biên giới Campuchia, chiếm hơn 84% tổng lượng nhập lậu bất hợp pháp trên toàn quốc.
Một số lượng khác đi qua các tỉnh có cửa khẩu biên giới với Lào ở miền Trung và biên giới với Trung Quốc ở miền Bắc. Đó là chưa kể tới sự xuất hiện và thâm nhập thị trường ngày càng mạnh mẽ của thuốc lá lậu thế hệ mới trong những năm gần đây.
Những tháng cuối năm tình trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng trở nên phức tạp và có dấu hiệu tăng trở lại trên các tỉnh thành có đường biên giới dài, hay thậm chí là tại các thành phố nơi có thị trường tiêu thụ lớn. Bất chấp công tác phòng chống buôn lậu của các lực lượng chức năng, thuốc lá điếu vẫn là một trong những mặt hàng được buôn lậu nhiều nhất do mức siêu lợi nhuận và việc vận chuyển dễ dàng.
Theo ông Nguyễn Chí Nhân - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, ước tính thuốc lá điếu nhập lậu chiếm khoảng 13-15% tổng sản lượng tiêu thụ toàn quốc, gây thất thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước.

Tuy biết thuốc lá nhập lậu tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, người tiêu dùng vẫn dễ bị hấp dẫn bởi các mặt hàng này. Một trong những nguyên nhân chính là bao bì bắt mắt, không in các hình ảnh cảnh báo sức khỏe theo quy định của nhà nước trên 50% diện tích bề mặt bao thuốc. Và mặc dù hình phạt cho các hành vi liên quan đến thuốc lá lậu là rất nặng, nhưng biên độ lợi nhuận lên đến hơn 400% nên tình trạng buôn lậu mặt hàng này liên tục tái diễn.

Trước tình hình đó, việc nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá cần sự chung tay của toàn xã hội, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu và tìm ra những giải pháp căn cơ, tổng thể sớm nhất và hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn, đẩy lùi triệt để nạn buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra các điểm buôn bán thuốc lá nhập lậu, ngăn chặn việc vận chuyển công khai thuốc lá nhập lậu trên các địa bàn “nóng” trong cả nước. Ngoài ra, để có thể ngăn chặn được nạn buôn lậu thuốc lá ngoại nhập lậu, cần ngăn chặn tội phạm ngay từ cửa khẩu biên giới, hạn chế tới mức tối đa thuốc lá nhập lậu được thẩm lậu qua các cửa khẩu.
Bên cạnh đó, công tác tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa trong việc tổ chức các đoàn công tác đi giám sát, đôn đốc các lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc và quyết liệt chỉ thị của Chính phủ, như Nghị định số 117/ND-CP ngày 28/9/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và mới nhất là Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đồng thời, cùng phối hợp đề ra chương trình hành động tại các vùng trọng điểm để đẩy lùi thuốc lá lậu.
Các địa phương cần chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán thuốc lá nhập lậu, đặc biệt là việc bày, bán thuốc lá lậu tại các tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn… Đồng thời, phối hợp các đơn vị có liên quan tuyên truyền các thương nhân phân phối, bán lẻ thuốc lá thực hiện đúng quy định pháp luật khi kinh doanh sản phẩm thuốc lá; tuyên truyền, vận động Nhân dân không tham gia, tiếp tay buôn lậu và tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thuốc lá lậu, thuốc lá thế hệ mới.
Chống buôn lậu thuốc lá là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, sự phối hợp của các ngành thường xuyên, thống nhất sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.