Tại buổi tọa đàm và Giao lưu trực tuyến với chủ đề: "TPP trong mắt doanh nghiệp Việt" diễn ra sáng nay 12/10 do báo Diễn đàn đầu tư tổ chức, các chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp đã trao đổi về tác động của TPP tới doanh nghiệp Việt Nam.
Bàn về lĩnh vực chăn nuôi, ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam khẳng định, khi hội nhập TPP, ngành chăn nuôi gia cầm sẽ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sẽ không cạnh tranh được.
"Thực sự việc chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sẽ không cạnh tranh được. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi không phải không có cơ hội, ngành chăn nuôi gia cầm có những lợi thế nhất định", ông Khanh nói.
Theo ông Khanh, Việt Nam đang xếp thứ 20 về sản lượng gia cầm, xếp thứ 2 về thủy cầm, chỉ sau Trung Quốc. Theo xu hướng của thế giới ngày càng sử dụng thịt gia cầm nhiều hơn vì có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, có ít các chất tồn dư gây hại cho con người. Dự báo từ 2020 trở đi, sản lượng thịt gia cầm sẽ thống lĩnh thị trường thế giới.
Vào TPP, đầu tư vào chăn nuôi gia cầm sẽ được đẩy mạnh, điều này giúp hiệu quả chăn nuôi cao hơn vì vốn ít, sản phẩm quay vòng nhanh.
Đặc biệt nhu cầu của các nước đạo hồi không ăn thịt lợn, chủ yếu ăn thịt gà, nên thị trường chăn nuôi gia cầm được mở rộng hơn.
Bên cạnh đó, thế mạnh của Việt Nam là chăn nuôi thả vườn. Trong khi đó, nhu cầu thế giới là cần gà sạch, ví dụ 1kg gà "chạy bộ" ở Mỹ là 10 USD, gà công nghiệp là 2,6 USD/kg. Với xu hướng này, người nông dân nhỏ lẻ cũng có cơ hội phát triển.
Ông Khanh cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh, các hộ nông dân nên tham gia vào Hợp tác xã, để bao tiêu sản phẩm, phát triển số lượng đàn.
"Nếu các hộ dân tham gia mô hình này sẽ tồn tại và phát triển, có nhiều mô hình đã thành công như mô hình HTX chăn nuôi thủy sản Gò Công; mô hình liên kết với công ty Minh Dư, Cao Khanh (Bình Định)...", ông Khanh khẳng định.
Kiều Linh