Triển khai hoạt động sau Lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu , ông Rapil Zhoshybayev, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Kazakhstan, đồng thời là Trưởng đoàn xúc tiến thương mại EXPO-2017 đến Việt Nam với chiến lược tăng cường xúc tiến thương mại giữa hai nước, thời gian làm việc từ ngày 29-31/7/2015.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp với chủ đề “Kinh doanh với thị trường Kazakhstan tổ chức sáng ngày 30/7 tại Hà Nội, ông Rapil Zhoshybayev cho biết, mặc dù thiết lập ngoại giao từ 1992 nhưng đến những năm gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan mới có những bước tiến.
Cho đến năm 2014, kim ngạch thương mại song phương là 272 triệu USD. Con số này là quá ít so với tiềm năng hợp tác của hai nước, đặc biệt sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu thì cơ hội tăng cường xúc tiến thương mại càng lớn.
“Do đó, đến Việt Nam lần này, tôi có lời mời các doanh nghiệp Việt Nam hãy đến và hợp tác đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế của cả hai quốc gia. Chính phủ Kazakhstan đã và sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam đến làm việc và đầu tư. Các ngành kinh tế khuyến khích có sự hợp tác như dầu mỏ, khai khoáng, chăn nuôi, giầy da, giáo dục, du lịch…
Hơn nữa, chúng tôi bước đã vào danh sách 50 nước có sức cạnh tranh thế giới. Mục tiêu chiến lược vào năm 2050 là vào danh sách 30 nước có sức cạnh tranh thế giới. Mới đây, tổng thống chúng tôi đã nhấn mạnh vào chương trình chính sách kinh tế nhằm hiện đại hóa các tổ hợp công nghiệp biến đất nước thành trung tâm thương mại của khu vực. Như vậy, Kazakhstan sẽ là môi trường đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài”, ông trường Kazakhstan nói.
Khi chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Rapil Zhoshybayev nhấn mạnh về việc đầu tư vào nguồn năng lượng tương lai của Kazakhstan.
Quốc gia này sẽ đầu tư xây dựng nguồn năng lượng xanh với kế hoạch 50 tỷ USD vào năm 2020 và tăng lên 100 tỷ USD vào năm 2050. Trong đó, một nửa số vốn đầu tư sẽ tập trung vào năng lượng tái tạo.
Với kế hoạch này, Kazakhstan rất hi vọng sự hợp tác phát triển từ phía các doanh nghiệp nước ngoài. Với chương trình năng lượng EPX0 2017 sẽ là điểm nối thúc đẩy quan hệ hợp với với Việt Nam.
Về vấn đề này, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên chăng cần xem xét nghiên cứu tiềm năng thị trường Kazakhstan để hợp tác phát triển. So với các quốc gia trong Liên Minh Châu Âu, Kazakhstan có tiềm năng kinh tế tốt và có ngành khai thác dầu mỏ đang phát triển.
Ông Dương Hoàng Minh – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu – Bộ Công Thương cho rằng, , Kazakhstan đã trở thành thành viên thứ 162 của Tổ chức Thương mại thế giới nên đây cũng là thị trường hấp dẫn để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu. Mục tiêu kim ngạch thương mại với Kazakhstan dự kiến sẽ lên 12 – 15 tỷ USD đến năm 2020, 2050.
“Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ lưỡng về FTA trước khi hợp tác đầu tư, đồng thời doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh khi bước ra thị trường quốc tế. Về khai thác năng lượng, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ vì khoảng cách địa lý là một vấn đề cần quan tâm. Ngoài ra, khâu thanh toán cũng cần tìm hiểu và làm việc trước với các ngân hàng của hai quốc gia. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm phải tuyệt đối khi hợp tác về thực phẩm, lương thực vì các quốc gia trong Liên minh Châu Âu là những nước phát triển”, Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu – Bộ Công Thương khuyến nghị.
* Nằm trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh với thị trường Kazakhstan”, Công ty Quốc gia “ Astana EXPO-2017 cũng đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác với công ty du lịch Việt Nam Saigontourist sau khi mở thành công tuyến bay thẳng từ Tp.HCM đến thành phố mới Astana của Kazakhstan. Đây được cho là hợp tác khởi đầu để tạo cơ hội cho sự đầu tư các lĩnh vực khác giữa hai nước.
* EXPO-2017 là chương trình quảng bá năng lượng của Kazakhstan sẽ tổ chức tới đây. Kazakhstan kỳ vọng EXPO-2017 sẽ là cầu nối thương mại với doanh nghiệp nước ngoài và kỳ vọng hút lượng khách du lịch đến đất nước này. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký tham gia cùng với sản phẩm năng lượng có thể góp mặt trong chương trình.
* Ngày 29/5/2015, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EEU. Sự kiện này được chờ đợi từ lâu không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam - LB Nga, mà còn đối với cả các nước thành viên EEU khác. Khi Hiệp định có hiệu lực, nó lập tức tác động đến biểu thuế của 60% dòng thuế hàng hoá mà các bên đang giao thương. Sau mười năm, hết giai đoạn chuyển tiếp, hàng rào thuế của 90% hàng hoá sẽ được miễn giảm hoặc dỡ bỏ.