Nhằm xác định và đẩy nhanh thực hiện các biện pháp chuẩn bị cần thiết của VN trong thời gian tới, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đối với nền kinh tế Việt Nam), tại Hà Nội, ngày 17/7/2015.

Chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN với 6 đối tác bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Niu Di-lân, và Ấn Độ. Đây là một bước tiến quan trọng sau khi các đối tác này đều đã ký các FTA riêng với ASEAN. RCEP cũng phù hợp với chủ trương của Việt Nam là tăng cường hội nhập kinh tế sâu rộng hơn gắn liền với những cải cách trong nước mạnh mẽ và toàn diện hơn.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, RCEP và TPP không hề mâu thuẫn nhau mà còn bổ trợ, bổ sung cho nhau. Cả hai hiệp đinh đều có điểm chung là cam kết tự do hóa sâu rộng hơn thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.
RCEP bắt đầu từ 2013 và dự kiến kết thúc năm 2015 trong khi đó TPP bắt đầu đàm phán từ 2010 và cũng dự kiến kết thúc vào 2015.

Trong RCEP, ASEAN là động lực, là hạt nhân dẫn dắt với mục đích hỗ trợ hợp tác để phát triển công bằng. Trong TPP thì Mỹ là chủ trì. Mục đích của TPP là thiết lập một FTA của thế kỉ 21 nhằm giải quyết những vấn đề mới như: tiêu chuẩn lao động, môi trường cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ. Trong khi RCEP nhằm mục đích hình thành một hiệp định sâu rộng hơn so với các FTA ASEAN+1 và hỗ trợ hợp tác vì sự phát triển công bằng.

Theo báo cáo đánh giá của ANZ, Việt Nam và Thái Lan sẽ là 2 quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP.
Ông Thành cũng cho biết thêm, Hiệp định này có ý nghĩa lớn trong tổng thể các FTA vì tiếp cận một khu vực có dân số lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm đến gần 30% GDP toàn cầu và 30% thương mại toàn cầu, đây cũng là khu vực có những nhà thương mại lớn nhất thế giới. RCEP được kì vọng sẽ mang lại những cơ hội to lớn cho Việt Nam thông qua việc cải thiện tiếp cận các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN và các đối tác khác với nhu cầu hàng hóa đa dạng, mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn nhất là thị trường công nghệ, máy móc. Từ đó, tạo cơ hội để Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị và sản xuất khu vực
Xét về lợi ích, khi gia nhập RCEP, các ngành thủy sản, nông sản, công nghiệp xây dựng bên cạnh các lợi thế về dệt may, da giày... Đặc biệt, với ngành dịch vụ sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh.

Cụ thể, cơ hội lớn cho xuất khẩu trong lĩnh vực phân phối, khách sạn và nhà hàng tới các nước RCEP, đặc biệt là Nhật Bản và các nước ASEAN. Ngoài ra còn cung cấp dịch vụ phân phối tới Úc.
Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, quá trình hội nhập và thực thi các cam kết FTA cũng bộc lộ không ít điểm yếu cũng như thách thức cho VN. Thương mại VN chủ yếu tập trung vào một số đối tác thương mại lớn cũng như một số sản phẩm chủ yếu,  do đó, dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi về cung cầu của thị trường này. Vấn đề trở nên khó khăn hơn khi cơ cấu thương mại của VN khá tương đồng với các nước RCEP trong khi chất lượng và hàm lượng gia tăng của hầu hết các sản phẩm còn khiêm tốn.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn với các FTA chất lượng cao (trong đó có RCEP), đòi hòi VN phải tận dụng những cơ hội và khắc phục thách thức. Đây là yêu cầu quan trọng nhằm thúc đẩy đầu tư, tập trung vào nhập khẩu công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực sản xuất và thúc đấy tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Nền tảng cho những nhận định này là nỗ lực năng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Trong quá trình này, tập trung vào đầu tư phát triển các sản phẩm chiến lược phù hợp, đồng thời tận dụng hợp tác phát triển với các nước RCEP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.