Việc giá vàng thế giới lên mốc cao nhất trong 3 tháng cũng kéo theo sự gia tăng của giá vàng trong nước. Sau khi giá vàng thế giới vượt mốc 2.100 USD/ounce, thì giá vàng SJC cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 400.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán so với hôm qua, lên 78,8 triệu đồng/lượng mua vào, 80,8 triệu đồng/lượng bán ra. Khoảng cách giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế tiếp tục ở mức cao. Như vậy là từ quý 4 năm ngoái, sau khi giá vàng trong nước bắt đầu xu hướng tăng, thì chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế bị kéo rộng ra và luôn duy trì ở mức từ 15 - 20 triệu đồng/lượng.
Chính vì thế, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế cũng là một trong những chỉ đạo quan trọng và xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có giải pháp quản lý, điều hành thị trường vàng cho phù hợp, hiệu quả ngay trong quý I.
Vào cuối giờ chiều 5/3, có thời điểm, giá vàng quốc tế đã được giao dịch ở mức 2.127 USD/ounce, tăng khoảng 0,6% so với đầu phiên. Thế nên, diễn biến tăng của giá vàng trong nước phiên hôm nay là có thể lý giải. Vấn đề nằm ở khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, đâu đó ở mức 17 triệu đồng/lượng. Do đó theo các chuyên gia, giải quyết vấn đề cung cầu sẽ là vấn đề mấu chốt của thị trường vàng.
Từ khi Nghị định 24 về Quản lý thị trường vàng ra đời, với việc đưa SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia thì hơn 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập khẩu cũng như dập thêm vàng miếng mới ra thị trường. Do đó, ngay cả khi cầu không quá lớn, mà cung không tăng, đã khiến giá vàng miếng SJC cao hơn đáng kể giá vàng trên thị trường thế giới. Bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC có thể được coi là giải pháp trước mắt.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Về giải pháp ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép nhập khẩu vàng, hoặc là Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng để sản xuất thêm lượng vàng SJC. Việc này sẽ làm tăng nguồn cung vàng SJC và giá có thể giảm xuống. Thứ 2 để tránh mất lượng ngoại hối như vậy thì Ngân hàng Nhà nước có thể thu mua vàng thông qua các đơn vị kinh doanh vàng ở trong nước, sẽ hạn chế việc chúng ta nhập khẩu vàng, và đáp ứng được nguồn cung".
"Dưới góc độ vàng là tài sản đầu tư thì chúng ta cần có các chính sách để điều tiết thị trường này. Trên cơ sở đó thì cung cầu cần phải mở rộng hơn, và chúng ta có thể điều tiết bằng chính sách thuế để cung cầu gặp nhau", ông Phan Lê Thành Long - Chủ tịch sáng lập AFA Group cho biết.
Nhập khẩu vàng để ổn định thị trường? - Ảnh 1.
Các chuyên gia đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng trở lại, để đáp ứng nhu cầu sản xuất vàng trong nước
Còn về lâu dài, các chuyên gia đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng trở lại, để đáp ứng nhu cầu sản xuất vàng trong nước. Không chỉ vàng miếng, mà cả vàng nhẫn, vàng trang sức... Và để giải bài toán nguồn cung vàng miếng, thì cho phép sự tham gia của nhiều đơn vị, nhiều thương hiệu vàng khác nhau. Nhằm đa dạng nguồn cung, tạo sự cạnh tranh trên thị trường.
"Nên cho phép một số tổ chức lớn, cụ thể các ngân hàng, họ có thể cung cấp những sản phẩm vàng thương hiệu như trước đây. Và tất nhiên có 1 sự quản lý về số lượng hàng năm cho hợp lý, góp phần giải tỏa cung cầu. Và chắc chắn tôi tin rằng giá vàng thương hiệu sẽ giảm, không còn chênh lệch như hiện nay nữa", ông Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế nhận định.
Nhập khẩu vàng có thể làm giảm lượng dự trữ ngoại hối bằng USD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc dùng USD để nhập khẩu vàng chỉ làm thay đổi loại tài sản dự trữ. Bên cạnh đó, còn nhiều đề xuất khác như cho phép giao dịch vàng tài khoản trở lại để giảm bớt nhu cầu nắm giữ vàng vật chất hay là lập sàn vàng vật chất. Và quan trọng, là ứng xử với vàng như một loại hàng hóa đặc biệt và tăng tính thị trường cho loại hàng hóa đặc biệt này.
Trên thị trường thế giới, thông thường đồng USD mạnh lên, thì giới đầu tư có xu hướng bán vàng ra để mua USD. Bức tranh hiện tại thì có vẻ như đang không theo quy luật khi mà cả giá USD và vàng thế giới đều tăng. Việc tăng giá trong nước không thể tránh khỏi do tác động từ quốc tế. Do đó, cần sớm có những chính sách phù hợp để quản lý thị trường vàng nhằm giảm bớt những áp lực từ bên ngoài. Ngân hàng Nhà nước cho biết đang nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 24 để trình Chính Phủ trong tháng này.