Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số lượng xe ô tô công của Việt Nam hiện tại khá lớn với gần 40.000 xe ô tô công chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước. Bộ Tài chính cho rằng vẫn còn hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức, việc điều chuyển xe ô tô giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền quy định, việc thỏa thuận, mua sắm xe chuyên dùng chưa được chặt chẽ.

Báo cáo cũng chỉ ra, tiêu chuẩn định mức quy định chưa phù hợp với một số cơ quan, đơn vị. Việc mua sắm, thanh lý xe phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí. Quy định về thời gian, số km sử dụng cũng chưa phù hợp với thực tế, quy định về khoán kinh phí xe ô tô hầu như không được áp dụng.

Việc sử dụng xe ô tô vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn định mức vẫn diễn ra.

Theo Bộ Tài chính, nhằm khắc phục các tồn tại trên và phù hợp với tình hình mới khi các phương tiện giao thông công cộng, xe cá nhân đã phát triển hơn nhiều so với 7 năm trước đồng thời phù hợp với cơ chế tự chủ về kinh phí hoạt động tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Bộ Tài chính đã nghiên cứu trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 32 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Quyết định có hiệu lực từ 21/9/2015 với 6 nội dung chính, trong đó quy định cụ thể về việc thay thế xe ô tô công, định mức xe công, mức khoán kinh phí, đối tượng được đưa đón bằng xe công, quy định việc mua sắm xe công và quy định xử lý vi phạm trong mua sắm xe công.

Hải Yến