Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước sản xuất lớn OPEC+ cho biết họ sẽ tuân thủ các biện pháp hạn chế nguồn cung như đã thỏa thuận. Một báo cáo nguồn cung hàng tuần vào thứ Năm cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần trước.
Dầu mỏ kéo dài đà tăng sau khi số liệu của Mỹ cho thấy, trong tháng 5, Mỹ đã có thêm 559.000 việc làm phi nông nghiệp. Đồng USD suy yếu sau báo cáo, khiến giá dầu rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác .
Dầu thô Brent tăng 58 cent, tương đương 0,8%, lên 71,89 USD/thùng, sau khi chạm 72,17 USD, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019.
Dầu thô Mỹ (WTI) tăng 81 cent, tương đương 1,2%, lên 69,62 USD. Mức cao nhất trong phiên là 69,76 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Giá dầu tăng cao hơn sau khi các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên đang hoạt động, lần đầu tiên sau sáu tuần, dữ liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết.
Dầu Brent tăng khoảng 3% trong tuần trong khi dầu thô Mỹ tăng gần 5%. Đây là tuần tăng thứ hai của cả hai loại dầu.

Giá dầu trong tuần qua được hỗ trợ bởi quyết định của nhóm OPEC+, vẫn sẽ duy trì sản lượng và thỏa thuận như từng đưa ra trước đây cho đến tháng 7, dự kiến đưa 2,1 triệu thùng/ngày trở lại thị trường đến tháng 7 theo quyết định đưa ra hồi tháng 4. Bên cạnh đó, nhóm cũng khẳng định tốc độ sản xuất sẽ được quyết định theo các cân đối cung - cầu dầu thô trên thị trường với khả năng nguồn cung dầu của Iran sẽ trở lại thị trường. Triển vọng cải thiện nhu cầu dầu thô hiện khá lạc quan nhờ đà phục hồi tại 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc.

Các chuyên gia của OPEC+ cũng đưa nhận định nhu cầu dầu thô sẽ tăng khoảng 6 triệu thùng/ngày trong năm nay khi thế giới hồi phục sau đại dịch. Dự kiến ngày 1.7 tới, OPEC+ tiếp tục họp và chính sách sản lượng sau tháng 7 có thể thay đổi.

Ngoài ra, việc thúc đẩy giá dầu tăng trong tuần này là sự chậm lại trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của Tehran, điều này làm giảm kỳ vọng về sự trở lại của nguồn cung dầu Iran.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết: “Các thị trường năng lượng đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran sẽ diễn ra vào tuần tới”.
Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ có khả năng tăng trưởng chậm hơn dự kiến do các nhà sản xuất dầu đá phiến chỉ bổ sung một số giàn khoan có giới hạn để thúc đẩy sản xuất, thay vào đó chọn cách đẩy giá và lợi nhuận cao hơn.
Trong khi nhu cầu tăng cao và tốc độ tiêm chủng nhanh chóng ở các nước như Mỹ đã thúc đẩy giá dầu. Việc triển khai tiêm chủng chậm hơn và tỷ lệ ca nhiễm tăng cao ở các nước như Brazil và Ấn Độ đang ảnh hưởng đến nhu cầu.
Nhà phân tích thị trường dầu mỏ Louise Dickson của Rystad Energy cho biết: “Không phải mọi quốc gia trên thế giới đều đang trong tình trạng phục hồi hoàn toàn, nhưng hiện tại dường như không có bất kỳ lý do nào có thể đảo ngược đà tăng giá do nhu cầu mạnh mẽ trong mùa hè”.

Nguồn: VITIC/Reuters