Dầu Brent giảm 29 cent, tương đương 0,4%, ở mức 71,02 USD/thùng, sau khi giảm 4US cent vào thứ năm, trước đó giá tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2019. Giá dầu Brent đã tăng gần 2% trong tuần này .
Giá dầu thô Mỹ (WTI) Mỹ cũng giảm 29 cent, tương đương 0,4% xuống 68,52 USD/thùng, giá giảm 2 US cent trong phiên trước. Tính chung cả tuần tăng hơn 2%.
Giá đã tăng vào đầu tuần này khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn OPEC+ dự đoán nhu cầu sẽ vượt cung trong nửa cuối năm 2021.
Giá dầu đầu tuần được hỗ trợ bởi quyết định của nhóm OPEC+, vẫn sẽ duy trì sản lượng và thỏa thuận như từng đưa ra trước đây cho đến tháng 7, dự kiến đưa 2,1 triệu thùng/ngày trở lại thị trường đến tháng 7 theo quyết định đưa ra hồi tháng 4. Bên cạnh đó, nhóm cũng khẳng định tốc độ sản xuất sẽ được quyết định theo các cân đối cung - cầu dầu thô trên thị trường với khả năng nguồn cung dầu của Iran sẽ trở lại thị trường.
Các chuyên gia của OPEC+ cũng đưa nhận định nhu cầu dầu thô sẽ tăng khoảng 6 triệu thùng/ngày trong năm nay khi thế giới hồi phục sau đại dịch.
Tuy nhiên, việc triển khai tiêm chủng chậm và tỷ lệ các ca nhiễm cao ở các nước như Brazil và Ấn Độ đang ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu tại các thị trường tăng trưởng cao trên thế giới đối với dầu và các sản phẩm nhiên liệu.
Số liệu cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm mạnh nhưng lượng nhiên liệu dự trữ lại tăng nhiều hơn dự đoán.
Lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm 5,1 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với dự đoán giảm 2,4 triệu thùng, trong khi lượng xăng dự trữ tăng 1,5 triệu thùng và lượng dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng 3,7 triệu thùng.
Nhu cầu xăng đã tăng mạnh trong tháng trước do hoạt động mua vào ồ ạt sau khi đường ống Colonial Pipeline phải tạm ngừng hoạt động.