Dầu thô Brent giảm 37 cent, tương đương 0,4%, xuống 95,79 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) giảm 60 cent, tương đương 0,7% xuống 89,40 USD.
Cả hai loại dầu đều tăng hơn 1 USD vào thứ Tư, được hỗ trợ bởi thông tin sụt giảm trong kho dự trữ dầu của Mỹ, ngay cả khi Fed tăng lãi suất lên 75 điểm cơ bản và Chủ tịch Jerome Powell cho biết còn quá sớm để nghĩ đến việc tạm dừng tăng lãi suất.
Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết đồng USD mạnh đang kéo giá dầu đi xuống.
Đồng USD mạnh làm giảm nhu cầu đối với dầu bằng cách làm cho nhiên liệu trở nên đắt hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Sản lượng của OPEC giảm trong tháng 10 lần đầu tiên kể từ tháng 6. OPEC và các nước sản xuất lớn OPEC+ cũng quyết định cắt giảm sản lượng mục tiêu 2 triệu thùng/ngày (bpd) kể từ tháng 11.
Thị trường cũng đang kỳ vọng nhu cầu từ Trung Quốc sẽ tăng lên với hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ giảm nhẹ các chính sách không COVID của mình.

Nguồn cung dầu: Theo số liệu của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 9/2022 tăng 0,93 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 101,48 triệu thùng/ngày.

Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 9/2022 tăng 146 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 29,77 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Nigeria, Libya, Saudi Arabia và UAE trong khi sản lượng giảm tại Venezuela, Iraq và Iran.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC trong năm 2021 (gồm NGL của OPEC) tăng 0,6 triệu thùng/ngày so với năm trước, đạt trung bình 63,6 triệu thùng/ngày. Sản lượng tăng từ Canada, Nga và Trung Quốc. Sản lượng giảm ở Anh, Brazil, Colombia và Indonesia.
Mỹ: Sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2021 giảm 0,07 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt mức trung bình 11,21 triệu thùng/ngày. Sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ năm 2021 tăng 30 nghìn thùng/ngày lên mức trung bình 5,44 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, sản lượng dầu thô dự báo trung bình khoảng 11,9 triệu thùng/ngày.
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 8/2022 giảm 160 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 10,9 triệu thùng/ngày (bao gồm 9,8 triệu thùng thùng/ngày sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ và 1,1 triệu thùng/ngày khí NGL). Ước tính trong tháng 9/2022 sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ giảm 0,1 triệu thùng/ngày đạt 9,7 triệu thùng/ngày; khí NGL sẽ giảm 10 nghìn thùng/ngày. Trong năm 2022, sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ tăng 64 nghìn thùng/ngày, đạt mức trung bình 10,9 triệu thùng/ngày.
Nga, nước chiếm khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu, đã và đang thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với nhiều nước châu Á và Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới - nhằm đa dạng hóa điểm đến của năng lượng xuất khẩu, vượt ra khỏi các thị trường truyền thống ở châu Âu.
Na Uy: Sản lượng dầu mỏ của Na Uy trong tháng 8/2022 tăng 127 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 2 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô của Na Uy trong tháng 8/2022 tăng 132 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ giảm 5 nghìn thùng/ngày trong tháng 8/2022 so với tháng trước, đạt 0,2 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2022, sản lượng dẩu mỏ dự báo sẽ giảm 35 nghìn thùng/ngày đạt trung bình 2,0 triệu thùng/ngày, điều chỉnh giảm chủ yếu là do sản lượng trong quý I và quý II/2022 giảm. Sản lượng sẽ tăng trưởng vào quý IV/2022 khi khởi động các dự án nước ngoài mới như Nova, Hod, Njord Future, Bauge và Fenja-giai đoạn 1. Johan Sverdrup giai đoạn 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 8/2022 tăng 91 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 3,0 triệu thùng/ngày.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học trong tháng 8/2022 tăng 88 nghìn thùng/ngày, đạt 3,7 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2022, dự báo nguồn cung nhiên liệu của Brazil tăng 0,1 triệu thùng/ngày đạt trung bình 3,7 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng thông qua hai dự án khởi động mới.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 8/2022 tăng 95 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 4,5 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô trong tháng 8/2022 tăng 91 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 4,1 triệu thùng/ngày.
Các công ty Trung Quốc tăng đầu tư theo chiến lược đã hoạch định để nâng sản lượng dầu. Trong năm 2021, sản lượng dầu mỏ tăng 0,2 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 4,35 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, dự báo sản lượng dầu mỏ đạt 4,5 triệu thùng/ngày, tăng 160 nghìn thùng/ngày so với năm 2021.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 8/2022 tăng 9 nghìn thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,7 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô tổng hợp trong tháng 8/2022 đạt 1,13 triệu thùng/ngày, tăng 66 nghìn thùng/ngày so với tháng trước. Sau thời tiết băng giá, các nhà khai thác đã cố gắng tiếp tục hoạt động trở lại.
Nguồn cung dầu của Canada trong năm 2022 tăng 0,2 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt trung bình 5,6 triệu thùng/ngày. Trong năm 2023 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng 0,2 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 5,8 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2021 đạt 63,67 triệu thùng/ngày, tăng 0,7 triệu thùng/ngày so với năm 2020. Dự báo năm 2022 tăng khoảng 1,93 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt trung bình 65,6 triệu thùng/ngày. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2022 là Mỹ, Brazil, Canada, Kazakhstan và Na Uy, trong khi sản lượng dầu dự kiến giảm chủ yếu ở Indonesia và Thái Lan.
Nhu cầu dầu:
Trung Quốc: Trung Quốc áp dụng chiến lược Không COVID (Zero COVID) đẩy các công ty và người lao động vào nguy cơ đóng cửa nhanh chóng, đóng băng các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tác động mạnh lên nhu cầu dầu ở Trung Quốc. Nhu cầu dầu trong tháng 8/2022 giảm 0,45 triệu thùng/ngày, sau khi giảm 0,2 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2022, giảm 30 nghìn thùng/ngày trong tháng 6/2022 so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu Naphtha tăng 180 nghìn thùng/ngày so với năm trước do nhu cầu của ngành công nghiệp hóa dầu tăng.
Nhu cầu xăng dầu giảm 0,29 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2022, từ mức giảm 0,4 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, mặc dù doanh số bán xe ở Trung Quốc đã tăng 23% trong tháng 7. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tiếp tục chậm lại do hạn chế của đại dịch.
Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, nhập 9,79 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2022, tăng so với 9,5 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2022 vẫn giảm 2% so so với tháng 9/2021. Nhập khẩu dầu thô giảm do áp dụng các biện pháp hạn chế dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Tình trạng ngừng hoạt động tại các nhà máy lọc dầu do tỷ suất lợi nhuận giảm đã hạn chế mua vào.
Các ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại một số thành phố lớn của Trung đã tác động tới nhu cầu dầu mỏ Trung Quốc năm 2022. Dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2022 chỉ tăng 0,4 triệu thùng/ngày, từ mức tăng 1,0 triệu thùng/ngày trong năm 2021.
Ấn Độ: Nhu cầu dầu của Ấn Độ tăng trở lại trong tháng 8/2022, tăng 0,6 triệu thùng/ngày, tăng từ mức 0,3 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2022. Nhu cầu xăng dầu được hỗ trợ mạnh bởi kinh tế tăng trưởng kể từ khi nới lỏng các hạn chế Covid-19.
Nhu cầu xăng dầu được thúc đẩy bởi hoạt động, sản xuất kinh doanh các ngành công nghiệp. Thu nhập của người tiêu dùng tăng, thúc đẩy hoạt động du lịch, tổng lưu lượng hành khách hàng không của Ấn Độ (trong nước và quốc tế) tăng.
Trong năm 2022, với dự kiến tăng trưởng kinh tế 7,1% và sẽ nhanh chóng ngăn chặn được biến thể Omicron Covid-19, nhu cầu dầu dự kiến sẽ phục hồi. Lưu lượng giao thông đã tăng trở lại, nhu cầu xăng và dầu diesel sẽ tăng dựa trên triển vọng kinh tế tiếp tục phát triển và nhu cầu về nhiên liệu vận tải. Lĩnh vực công nghiệp phát triển sẽ hỗ trợ cho nhu cầu dầu diesel, LPG và naphtha. Các lễ hội hàng năm trong quý IV/2022 sẽ thúc đẩy nhu cầu xăng dầu.
OECD Châu Âu: Tiêu thụ xăng dầu trong khu vực giảm trong tháng 7/2022 so với cùng kỳ năm trước, do lưu lượng giao thông giảm. Lạm phát và căng thẳng địa chính trị tác động đến hoạt động kinh tế của khu vực.
Tỷ lệ lạm phát trong khu vực đồng euro tiếp tục tăng và đã đạt kỷ lục mới vào tháng 9 khi lên đến 10%. Đây cũng là mức cao nhất kể từ khi khu vực đồng tiên chung được thành lập. So với tháng 8, tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 đã vượt quá dự đoán của các nhà phân tích, những người đã tính toán mức tăng trưởng chỉ đạt tối đa 9,7%. Trong đó, giá năng lượng đã tăng 2,2% so với tháng trước.
Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2011, trước tình hình giá tiêu dùng tăng mạnh, lãi suất cơ bản đã tăng. Vào tháng 9, ngân hàng này đã tăng lãi suất 0,75% lên 1,25%, một mức chưa từng có trong lịch sử.
Dự báo GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ chậm lại từ tốc độ tăng trưởng 2,0% trong quý 3/2022 xuống còn 0,5% trong quý 4/2022, do ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế chậm lại, căng thẳng địa chính trị, hoạt động sản xuất thương mại ảnh hưởng đến nhu cầu dầu của khu vực.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Trong báo cáo hằng tháng công bố IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tiếp tục giảm trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu biến động theo hướng tiêu cực.
Dự báo của OPEC: Tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2022 điều chỉnh giảm 0,5 triệu thùng/ngày dựa trên những thông tin từ lạm phát ở các nền kinh tế chủ chốt làm giảm nhu cầu dầu, theo đó nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng 2,6 triệu thùng/ngày, đạt tổng 99,67 triệu thùng/ngày. Trong khu vực OECD nhu cầu dự đoán tăng 1,35 triệu thùng/ngày lên 46,2 triệu thùng/ngày. Nhu cầu dầu của Mỹ dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ nhu cầu dầu diesel phục hồi. Ở khu vực ngoài OECD, tổng nhu cầu dầu trong năm dự báo sẽ tăng 1,29 triệu thùng/ngày lên 53,47 triệu thùng/ngày do nhu cầu nhiên liệu công nghiệp và vận tải ổn định được hỗ trợ bởi hoạt động kinh tế phục hồi.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ tăng 10%

Giá khí tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ tăng khoảng 10% vào thứ Tư (2/11) do sản lượng sụt giảm và kỳ vọng nhu cầu khí đốt sẽ tăng.

Hợp đồng khí đốt tăng 55,4 cent, tương đương 9,7%, đạt mức 6,268 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu).

Nhìn chung, giá khí đốt giao sau của Mỹ vẫn tăng khoảng 67% từ đầu năm đến nay do giá khí đốt toàn cầu cao.

Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã giảm xuống còn 97,3 bcfd trong tháng 11, giảm so với mức kỷ lục 99,4 bcfd vào tháng 10.

Với thời tiết mát mẻ hơn theo mùa, Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 98,1 bcfd trong tuần này lên 100,0 bcfd vào tuần tới.

Lượng khí trung bình đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ đã tăng lên 11,5 bcfd cho đến nay vào tháng 11.

 

Nguồn: VITIC/Reuter