Giá than cốc và than luyện cốc của Trung Quốc tăng hơn 4%, được hậu thuẫn bởi nguồn cung thắt chặt trong bối cảnh các tiêu chuẩn khí thải tại Bắc Kinh ngày càng khắt khe, mặc dù nhu cầu đối với các nguyên liệu sản xuất thép vẫn giảm do các nhà máy buộc phải cắt giảm sản lượng.
Giá than Australia trên thị trường thế giới giảm trong khi giá than trên thị trường Trung Quốc tăng vọt, với mức chênh lệch 85 USD/tấn.
Các nhà cung cấp từ Mỹ và Canada có truyền thống bán than vào châu Âu đã chuyển sang Trung Quốc, nơi có thể giúp họ tăng gấp đôi lợi nhuận, trong khi các nhà máy châu Âu chuyển sang nhập than từ Australia, nơi họ có thể có được nguồn cung chất lượng và giá rẻ.
Giới chức Trung Quốc cho rằng tổn thất từ nguồn than của Australia sẽ được bù đắp một cách thỏa đáng bởi các nhà cung cấp khác và bằng trữ lượng khổng lồ của chính quốc gia này. Nhưng thực tế cho thấy Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi một loạt các cú sốc về nguồn cung.
Mông Cổ đã thay thế Australia trở thành nguồn cung cấp than lớn nhất cho Trung Quốc, nhưng đại dịch COVID-19 đã buộc nước này phải đóng cửa hai tuyến đường vận tải than chính vào tháng 5/2021.
Trong khi đó, lượng than có sẵn từ các nhà cung cấp là có giới hạn. Tổng nhập khẩu than của Trung Quốc đã giảm từ 46 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 1-7/2020 xuống còn 26 triệu tấn trong khoảng thời gian từ tháng 1-7/2021.
Mông Cổ đã thay thế Australia trở thành nguồn cung cấp than lớn nhất cho Trung Quốc.
Các nhà máy thép của Trung Quốc trung bình tiêu thụ gần 700 triệu tấn than mỗi năm và 88% lượng than đến từ các mỏ trong nước. Tuy nhiên, than nhập khẩu vẫn là yếu tố quan trọng cả về chất lượng và sự linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu.
Giá than luyện cốc trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên ngày 28/9 tăng 4,4% lên 2.972 CNY(tương đương 459,62 USD)/tấn. Giá than nhiệt giao sau trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu tăng 5,3% lên 1.297 CNY/tấn trong bối cảnh nguồn cung suy giảm. Giá than cốc giao sau tại Đại Liên tăng 4,5% lên 3.348 CNY/tấn.
Nguồn cung than thắt chặt, dẫn đến việc cắt điện từ các hộ gia đình đến các ngành công nghiệp ở Trung Quốc, đã thúc đẩy giá thép tăng cao. Tình trạng thiếu điện trên diện rộng đã khiến hoạt động sản xuất tại nhiều nhà máy bị ngừng trệ, bao gồm nhiều nhà máy cung cấp cho Apple và Tesla, trong khi một số cửa hàng ở phía đông bắc hoạt động dưới ánh nến và các trung tâm thương mại phải đóng cửa sớm, thiệt hại kinh tế tại Trung Quốc ngày càng tăng cao.
Trên sàn giao dịch Thượng Hải giá thép thanh tăng 1,4% lên 5.579 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng được sử dụng trong sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng, tăng 1,1% lên 5.618 CNY/tấn. Giá thép không gỉ của Thượng Hải giảm 1,7% xuống 20.375 CNY/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên giảm sau khi tăng ba phiên liên tiếp và giảm 4,2% xuống 670 CNY/tấn.
Sau khi thêm một mỏ than phải đóng cửa trong tháng 9/2021, giá than luyện cốc chất lượng cao từ Sơn Tây đã tăng lên 613 USD/tấn. Than nhập khẩu cho các nhà máy thép cũng tăng giá lên mức kỷ lục 412 USD/tấn.
Trong khi đó, giá than tăng cũng khiến các nhà máy thép Trung Quốc chuyển chi phí sang khách hàng của họ. Với việc ngành thép Trung Quốc được lệnh duy trì sản lượng năm 2021 không quá 1,06 tỷ tấn đã đạt được trong năm 2020, các khách hàng buộc phải cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung.