Cho đến nay, nói đến ngành ngân hàng, công luận bị ấn tượng xấu về chuyện sở hữu chéo, rồi góp vốn bằng tiền ảo, rồi dùng tiền của ngân hàng cho hoạt động sân sau. Cho nên có lẽ ai cũng ủng hộ nỗ lực chấn chỉnh hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần rất cương quyết của giới quản lý, đặc biệt là của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Nhưng, nói sao thì nói, cần phải làm rõ một số vấn đề để nỗ lực của NHNN luôn đi kèm với sự minh bạch, công khai, có tính giải trình - bởi chính vì thiếu những yếu tố này mà nhiều ngân hàng lâm vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay.
Vấn đề đầu tiên là mua lại một ngân hàng với giá 0 đồng không có nghĩa người mua không mất tiền. Ngược lại là đằng khác, cái khả năng người mua phải bỏ ra những khoản tiền lớn khi sở hữu ngân hàng giá 0 đồng là rất hiển nhiên.
Ai kinh doanh cũng biết một khi nợ khó đòi lớn hơn vốn chủ sở hữu thì mua lại doanh nghiệp với giá 0 đồng có nghĩa người mua phải đảm nhận trách nhiệm cho những khoản nợ đó.
Cụ thể với một ngân hàng, giả dụ nhận tiền gửi từ nhiều nguồn lên đến 100 đồng, đem cho vay. Nay vì lý do nào đó đến một nửa - 50 đồng - tiền vay là không đòi được. Vốn chủ sở hữu chỉ có 10 đồng, bù vô vẫn còn thiếu 40 đồng. Người nào bỏ 0 đồng mua ngân hàng này đương nhiên phải gánh chịu trách nhiệm trả đủ 100 đồng cho người gửi, tức phải bỏ tiền túi ra bù 40 đồng còn thiếu kia.
Cho đến nay NHNN đã mua ba ngân hàng với giá 0 đồng gồm Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Đây là giải pháp tình thế, có thể hoàn cảnh bắt buộc phải thực hiện chứ không còn cách nào khác.
Tuy nhiên, như minh họa đơn giản hóa ở trên cho thấy, điều NHNN cần công bố cho công luận và đặc biệt cho Quốc hội là nợ xấu không có khả năng thu hồi ở các ngân hàng này là bao nhiêu, chi phí để sở hữu chúng, tức những khoản tiền phải bỏ ra để chúng không rơi vào tình trạng phá sản là bao nhiêu, phương án phục hồi chúng là như thế nào.
Để giúp tái cơ cấu ba ngân hàng này, NHNN đã chỉ định một số ngân hàng trong đó Nhà nước vẫn đang nắm cổ phần chi phối tham gia quản trị, điều hành như Vietinbank cho GP Bank, OceanBank và Vietcombank cho Ngân hàng Xây dựng. Đây cũng là việc chẳng đặng đừng, cần minh bạch với các cổ đông còn lại của hai ngân hàng này vì họ, dù là cổ đông thiểu số, vẫn có quyền biết đồng tiền cổ phần của họ đang được sử dụng như thế nào…
Điều thứ hai là tôn trọng quy tắc thị trường.
Thông cáo báo chí về việc NHNN chấp thuận trên nguyên tắc việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (PNB) vào Ngân hàng Sacombank có câu: “Ông Trầm Bê hiện là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và Điều lệ Ngân hàng PNB, Điều lệ Ngân hàng Sacombank sau khi nhận sáp nhập PNB đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, PNB và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan. Như vậy, ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập.”
Mọi người sẽ thắc mắc ngay: ủy quyền các quyền của cổ đông là gì, có phải là chuyển sở hữu không, khác với mua với giá 0 đồng chỗ nào, các cổ đông còn lại sẽ như thế nào…
Thông thường trong một doanh nghiệp, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm tối đa đến mức góp vốn của họ mà thôi. Nhưng thông cáo nói trên cho biết: “Ông Trầm Bê cũng cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Trầm Bê”. Lẽ ra nếu ông này có những sai phạm lớn, cứ xử lý theo đúng luật pháp và bắt chịu trách nhiệm theo đúng luật pháp chứ không nên có những quy định trái khoáy như vậy.
Trong thông cáo này, cụm từ được dùng là “ông Trầm Bê và những người có liên quan”, tức các con của ông này. Đây là chuyện bình thường nếu ông Trầm Bê sở hữu lượng cổ phần lớn, những người có liên quan sở hữu lượng cổ phần nhỏ hơn. Đằng này thực tế ngược lại, ví dụ tại ngân hàng Sacombank, tính đến ngày 30-6-2015 thì lượng cổ phiếu ông Trầm Bê sở hữu là 0,16% còn lượng cổ phiếu của ông Trầm Trọng Ngân, con trai ông Bê lên đến 4,34%. Làm sao một người chỉ sở hữu 0,16% lại ủy quyền thay cho người sở hữu 4,34% được. Lẽ ra NHNN phải xem người đứng tên sở hữu lượng cổ phần lớn nhất là người chịu trách nhiệm ủy quyền khi đó mới danh chính ngôn thuận.
Theo Nguyễn Vạn Phú
TBKTSG