Nếu nhìn toàn cục các vấn đề kinh tế, chính trị đối với động thái điều chỉnh tỷ giá NDT của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong tuần qua thì theo quan điểm của người viết, phá giá NDT không phải là mục đích chính của Trung Quốc. Bản chất của vấn đề là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thay đổi chính sách tỷ giá.

Người khổng lồ trở mình


Theo giải thích của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, việc tỷ giá thay đổi trong ngày 11-8-2015 là do họ áp dụng cơ chế xác định tỷ giá tham chiếu mới: công bố tỷ giá hàng ngày trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng dựa trên tỷ giá đóng cửa bình quân trên thị trường liên ngân hàng ngày hôm trước. Thật vậy, mức tỷ giá 6,2298 do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ấn định ngày 11-8-2015 chính là tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng của ngày 10-8-2015.

Tuy nhiên, với một nền kinh tế đã quen với tỷ giá do ngân hàng trung ương ấn định theo ý chí chủ quan của cơ quan này và gần như cố định, thì bất kỳ sự thay đổi tỷ giá công bố nào đều được cho là sự phá giá (hoặc nâng giá). Do vậy, thị trường ngay lập tức phản ứng bằng các hoạt động bán tháo đồng NDT, làm cho đồng tiền này liên tục giảm giá và khi thị trường giảm giá thì theo cơ chế xác định tỷ giá mới, tỷ giá bình quân liên ngân hàng phải giảm theo. Cứ như vậy đồng NDT giảm liên tiếp ba ngày và mất 4,66% giá trị theo tỷ giá công bố của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và mất khoảng 3% giá trị theo thực tế giao dịch thị trường.

Sự thay đổi bất ngờ về chính sách tỷ giá này đã đẩy thị trường tài chính toàn cầu vào một phen hoảng loạn. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ các sự kiện gần đây sẽ thấy đó là bước đi có tính toán cẩn trọng của các nhà làm chính sách Trung Quốc. Điều này thể hiện ở chỗ, trước thời điểm Trung Quốc thay đổi cơ chế xác định tỷ giá ít ngày, IMF đã tuyên bố NDT vẫn chưa sẵn sàng để được bổ sung vào rổ tiền tệ dự trữ trong quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của cơ quan này.

Sự chưa sẵn sàng ở đây chính là chưa sẵn sàng với chính sách tự do hóa tỷ giá, như tuyên bố của Tổng giám đốc IMF - bà Christine Lagarde - rằng Trung Quốc cần khiến tiền tệ của mình “được sử dụng tự do hơn”. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu của IMF, không còn cách nào khác, Trung Quốc phải thay đổi chính sách tỷ giá từ cố định sang thả nổi có kiểm soát. Đây đơn giản là bước đi đầu tiên cho một đồng NDT tự do chuyển đổi.

Các cam kết về tỷ giá không nhất thiết mang tính định lượng cứng nhắc (vì những cam kết định lượng thường được đưa ra trong điều kiện đặc biệt như bất ổn vĩ mô...) mà nên có tính định hướng cùng với chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế khác.

Điều đáng nói ở đây là sự thay đổi này diễn ra tại thời điểm tương đối nhạy cảm khi mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt một loạt vấn đề như tốc độ tăng trưởng suy giảm nhanh chóng, xuất khẩu sụt giảm mạnh, bong bóng chứng khoán vỡ... làm dấy lên nghi ngờ Trung Quốc phá giá để hỗ trợ nền kinh tế của mình.

Tuy nhiên, cần phải chú ý rằng, đây cũng chính là thời điểm lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị thăm Mỹ. Sự thay đổi chính sách tỷ giá chính là hành trang quan trọng phải có của ông Tập Cận Bình khi gặp Tổng thống Obama nhằm thuyết phục Mỹ đồng ý đưa NDT vào SDR. Vấn đề là sự thay đổi này diễn ra ở thời điểm tương đối nhạy cảm và đã bị thị trường “hiểu nhầm” (cho dù sự hiểu nhầm này có thể nằm trong dự tính của Trung Quốc) và kết quả là đồng NDT bị phá giá thật sự.

Phản ứng của Việt Nam

Ngay sau khi Trung Quốc thay đổi tỷ giá NDT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã rất nhanh chóng nới biên độ tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ (VND/USD) từ 1% lên 2% (tuần trước) và đầu tuần này nâng tiếp lên 3%. Đồng thời với việc tiếp tục nới biên độ, NHNN còn tăng tỷ giá thêm 1%. Theo đó, tỷ giá VND/USD giao dịch trên thị trường được đẩy tăng lên trên 22.400 VND/USD (lúc 9 giờ sáng 19-8). Hành động này của NHNN đã làm VND mất giá tổng cộng 4,4% tính từ đầu năm 2015.

Đánh giá về hành động nâng biên độ giao dịch tỷ giá của NHNN, hầu hết các chuyên gia kinh tế, báo chí và các doanh nghiệp đều cho rằng đây là hành động đúng, linh hoạt và chủ động của NHNN. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mức “phá giá” VND vừa qua của NHNN là chưa đủ bởi NDT đã bị phá giá đến 4,6%.

Sự “chưa đủ” này sẽ khiến cho Việt Nam sẽ càng bị nhập siêu nghiêm trọng hơn từ Trung Quốc và quan trọng hơn là hàng xuất khẩu của nước ta sẽ trở nên đắt hơn hàng Trung Quốc vốn đang thống lĩnh thị trường thế giới.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, NDT thực tế không bị phá giá 4,6% mà đến thời điểm này là 3% và VND đã bị phá giá tới 4,4% tính đến nay. Điều này có nghĩa là xét về yếu tố tỷ giá, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam với hàng Trung Quốc vẫn có lợi thế trong năm 2015.

Việc Trung Quốc thay đổi tỷ giá NDT có thể mang lại cho các nhà làm chính sách của chúng ta khá nhiều bài học.

Thứ nhất, chính sách tỷ giá trong điều kiện hiện tại cần có sự linh hoạt rất lớn. Do vậy, chính sách tỷ giá không nên bị bó buộc trong một cam kết có tính định lượng cứng nhắc, đặc biệt là cam kết kéo dài trong cả một năm, bởi những cam kết như vậy thường được đưa ra chủ yếu dựa trên những yếu tố kinh tế nội tại của Việt Nam trong khi điều kiện kinh tế quốc tế thường diễn biến nhanh chóng và khó lường, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc...đều có những biến động rất mạnh. Vì vậy, những cam kết về tỷ giá cần xem xét trên nhiều khía cạnh, không chỉ trong nước mà còn cả thế giới.

Thứ hai, khi nền kinh tế, tài chính thế giới ngày càng liên kết chặt chẽ thì những biến động trên thế giới ngày càng có sức ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta. Do vậy, những phản ứng chính sách đòi hỏi phải rất chủ động, linh hoạt và đặc biệt tỉnh táo. Nếu chủ động và linh hoạt trong điều hành chính sách, thì những sự kiện lớn của kinh tế thế giới như sự thay đổi chính sách tỷ giá NDT vừa qua không những không gây biến động cho Việt Nam, mà ngược lại có thể giúp nền kinh tế Việt Nam nương sóng để đi xa hơn.
Theo Hoàng Xuân Huy
TBKTSG

Nguồn: TBKTSG