Ủy ban cải cách của Chính phủ Ấn Độ vừa thông qua kế hoạch cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được trực tiếp đầu tư vào thị trường bán lẻ khổng lồ của đất nước đông dân thứ hai thế giới này, động thái được coi là một trong những cải cách kinh tế lớn nhất của Chính phủ do Đảng Quốc đại đứng đầu.

Theo kế hoạch, các nhà đầu tư sẽ đầu tư ít nhất 100 triệu USD để thành lập các cửa hàng bán lẻ đa hàng hóa và chỉ được phép hoạt động tại các thành phố có số dân từ 1 triệu người trở lên.

Tuy nhiên, đề xuất mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ của Ấn Độ, mà theo ước tính có doanh thu hàng năm lên tới 450 tỷ USD, còn cần được Nội các thông qua và sau đó phải vượt qua một "rào cản" nữa là phe đối lập.

Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Wal-Mart đang hoạt động tại Ấn Độ dưới hình thức doanh nghiệp bán buôn, nhưng không thể bán hàng trực tiếp cho công chúng giữa những lo ngại các chuỗi bán lẻ quốc tế có thể "nuốt" các cửa hàng nhỏ do gia đình điều hành.

Ấn Độ đề ra các quy định đầu tư nước ngoài chặt chẽ nhằm bảo vệ các cửa hàng do gia đình quản lý trong ngành bán lẻ, nơi chưa có tới 10% người tiêu dùng mua sắm tại các cửa hàng bách hóa tổng hợp có tiếng và lớn hơn.

Thay đổi chính sách cũng đồng nghĩa với việc các nhà bán lẻ nước ngoài có thể bắt đầu bán hàng cho người tiêu dùng Ấn Độ thông qua việc hợp tác với các nhà bán lẻ Ấn Độ và được phép nắm giữ tới 51% cổ phần trong các liên doanh với các đối tác Ấn Độ.

Hiện tại Ấn Độ đã cho phép nước ngoài đầu tư 51% vốn vào các hoạt động bán lẻ thương hiệu riêng như Nokia hay Reebok và 100% vốn nước ngoài vào các hoạt động bán buôn trả tiền và lấy hàng.

Ông Kishore Biyani, Tổng giám đốc Tập đoàn bán lẻ Future Group hàng đầu Ấn Độ, nói: "Theo từng bước chúng tôi sẽ tiến gần hơn tới việc mở cửa lĩnh vực bán lẻ đa hàng hóa tại Ấn Độ cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều này sẽ mời gọi nhiều sự quan tâm từ các nhà bán lẻ trên khắp thế giới."

Các tập đoàn bán lẻ lớn như Wal-Mart hay Carrefour đang tích cực vận động Chính phủ Ấn Độ mở cửa thị trường tiêu dùng cho các chuỗi cửa hàng ở nước ngoài khi họ tìm cách phát triển các thị trường bên ngoài các thị trường phương Tây đã bão hòa.

Ông Kaushik Basu, nhà cố vấn kinh tế hàng đầu Ấn Độ, cho hay mở cửa lĩnh vực bán lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp giảm bớt "nút cổ chai" trong nguồn cung và làm dịu bớt lạm phát đã lên tới gần 10%.

Theo ông, các hệ thống bán lẻ nước ngoài sẽ hiện đại hóa các cách tích trữ và vận chuyển hàng hóa, giảm bớt tình trạng hư hỏng hàng hóa, tạo ra cạnh tranh lớn hơn trong nguồn cung, các nhân tố có thể góp phần kéo lạm phát đi xuống. Ước tính có tới gần 40% rau quả bị hư hỏng trước khi được đưa ra thị trường do không được bảo quản lạnh và thiếu điều kiện vận chuyển./.

 (TTXVN/Vietnam+)