Năm 2007, thị trường giấy đã có chuyển biến xấu, khi Trung Quốc - nước sản xuất giấy lớn thứ 2 thế giới, riêng quý 3 đã đóng cửa 1.569 nhà máy bột giấy và giấy do ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp làm giảm 15% tổng công suất giấy của Trung Quốc. Ngoài ra, do thiếu điện, nhiều nhà máy nhỏ ở Trung Quốc không đạt được sản lượng dự kiến. Một số công ty lớn ở Mỹ, Canada, Trung Quốc... đã phải sản xuất cầm chừng, hoặc ngừng sản xuất vô hạn định, nên cán cân cung - cầu giấy in báo đã đảo chiều từ thời điểm này.
Sang năm 2008, dù giấy in báo được “săn đón” ở khắp nơi, nhưng nhiều công ty trên thế giới đã buộc phải đóng cửa một số nhà máy lớn, như: AbitibiBowater-nhà sản xuất giấy in báo lớn nhất thế giới với 1 triệu tấn công suất giấy in báo ở Bắc Mỹ đã tuyên bố (12-2007) sẽ đóng cửa trong 3 hoặc 6 tháng; Norsko Skog-một trong những công ty hàng đầu thế giới ở Phần Lan đã ngừng máy xeo 450.000 tấn/năm. Olympic Bắc Kinh đang tới gần, Trung Quốc sẽ đóng cửa các nhà máy giấy không bảo đảm các tiêu chuẩn kinh tế, môi trường; riêng tỉnh Hunan trong tháng 1-2008 đã đóng cửa 498 nhà máy giấy nhỏ. Hậu quả là ngay cả Trung Quốc cũng không còn giấy in báo để cung cấp cho thị trường Ấn Độ, nơi tiêu dùng giấy in báo chủ yếu dựa vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc.
Sản xuất giấy in báo ít hiệu quả so với sản xuất các loại giấy khác. Do vậy, trên thế giới đã có thêm nhiều nhà máy xeo giấy làm bao bì, thế nhưng mấy năm qua, không có thêm một nhà máy xeo giấy in báo mới nào. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng càng tăng do giấy in báo gắn liền với các sự kiện chính trị, thể thao văn hóa và quảng cáo, như: Olympic Bắc Kinh là sự kiện thể thao lớn trên thế giới năm 2008; Xingapo giành được quyền chủ nhà tổ chức lễ khai mạc Olympic Thanh niên 2010, sự kiện cuộc đua công thức 1...
Mừng hay lo ?
Giá bột giấy trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng, có tác động tiêu cực đến giá giấy in báo. Nếu lấy giá vào tháng 1-2006 (là thời điểm giá giấy đang ổn định) là 640 USD/tấn, thì mức tăng hiện nay là 37,5%. Ở Việt Nam từ xưa đến nay chỉ có một máy xeo giấy in báo duy nhất của Công ty cổ phần Giấy Tân Mai, có công suất thiết kế 46.000 tấn/năm. Nhưng, Công ty đã sản xuất vượt công suất thiết kế, với sản lượng 58.871 tấn trong năm 2007 và không thể nâng cao hơn được nữa. Vì vậy, nhu cầu còn lại phải nhập khẩu. Năm 2007, Việt Nam nhập khẩu 55.716 tấn giấy in báo (bằng 50% nhu cầu sử dụng). Theo dự báo, mức tăng tiêu dùng giấy in báo ở Việt Nam năm sau cao hơn năm trước, thậm chí cao hơn các nước. Song, trong 3 năm tới, sản xuất giấy in báo của Việt Nam cũng vẫn chỉ dừng lại ở sản lượng khoảng 60.000 tấn cho đến cuối năm 2010, Công ty cổ phần Giấy Tân Mai đầu tư thêm một máy xeo giấy in báo mới, với công suất 150.000 tấn/năm.
Quý 1-2008, nhu cầu tiêu dùng giấy in báo tăng đột biến (tăng 60% so với cùng kỳ năm trước), nên đẩy lượng giấy in báo nhập khẩu lên gần 21.000 tấn, gấp 2,08 lần so với cùng kỳ năm 2007. Với đà này, nhập khẩu cả năm 2008 sẽ đạt 120.000 tấn, tăng gấp 2 lần sản xuất trong nước. Đưa tổng nhu cầu sử dụng giấy in báo lên 180.000 tấn, đúng bằng sản lượng giấy in báo sản xuất trong nước đạt vào năm 2012. Như vậy, trong vòng 3-4 năm tới tiêu dùng giấy in báo ở Việt Nam sẽ chủ yếu dựa vào nguồn nhập khẩu. Đà tăng trưởng này là dấu hiệu phát triển của ngành Báo chí Việt Nam, đồng thời sẽ tạo động lực thúc đẩy các nhà đầu tư lắp đặt máy xeo giấy in báo. Nhưng, đứng trước tình trạng thị trường giấy in báo trên thế giới mất cân đối nghiêm trọng, giá giấy tăng hàng tháng, thì không hiểu tình hình nhập khẩu giấy in báo hiện nay ở Việt Nam là dấu hiệu mừng hay lo ?
Hiện nay, giấy in báo của Việt Nam được nhập khẩu từ 25 nước và vùng lãnh thổ khác nhau. Với thị trường nhập khẩu có thể nói quá rộng so với lượng hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, trong tình hình thị trường thế giới đang có nhiều biến động theo chiều hướng không tích cực, Việt Nam lại là thành viên WTO, vì vậy, các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng cần coi thị trường toàn cầu là thị trường của mình trong bán, mua hàng để chủ động và nâng cao hiệu quả sản suất, kinh doanh.

Nguồn: Internet