Dưới đây là diễn biến  một số mặt hàng chủ yếu:

Giá thép tăng  200.000-300.000 đ/tấn

Trong khi giá xi măng các loại tiếp tục giảm, thì giá thép đang ở mức 16-16,2 triệu đồng/tấn thì nay lại tăng thêm 200.000-300.000 đ/tấn. Các nhà phân phối cho biết, cách đây 2 ngày, nhiều công ty như Thép Vina Kyoei, Pomina, Thép miền Nam đồng loạt công bố tăng giá bán. Cụ thể, giá thép bán lẻ của Thép Vina Kyoei và Pomina ở mức 17,5 - 17,7 triệu đồng/tấn, Thép miền Nam 16,8 - 17 triệu đồng/tấn… giao tại nhà phân phối.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp phải tăng giá bán là do bị ảnh hưởng của tỷ giá đồng USD tăng cao trên thị trường tự do. Hơn nữa, trước đây giá phôi nhập khẩu chỉ dưới 1.000 USD/tấn, nhưng hiện nay các công ty thép đang phải nhập phôi với giá 1.140 - 1.149 USD/tấn. Do đó, buộc các doanh nghiệp phải tăng giá bán nếu không sẽ bị lỗ.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa ký quyết định số 39/2008/QĐ-BTC về việc sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng sắt thép không hợp kim của biểu thuế xuất khẩu. Theo đó, Bộ Tài chính sửa đổi mức thuế này đối với các mặt hàng sắt, thép thuộc phân nhóm 7204.50.00.00 và thuộc các nhóm 7206 và 7207 quy định tại QĐ số 106/2007/QĐ-BTC thành mức thuế suất thuế xuất khẩu mới 10% và áp dụng cho đối với tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ ngày 28/6.

Gas tăng giá

Lần thứ hai trong vỏn vẹn 10 ngày đầu tháng 6, các doanh nghiệp lại đưa ra thông báo tăng giá bán gas.

Giá gas trên thị trường bán lẻ hiện đang dao động ở mức từ 267.000đ đến 295.000 đồng/bình 12kg. Riêng với bình 13kg của Petrolimex hiện đang có giá 316.000đ/ bình và chưa có thông tin điều chỉnh giá từ Petrolimex.

Giải thích cho việc tăng giá bán gas liên tiếp, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng: giá gas trong nước phụ thuộc hoàn toàn vào giá CP (giá trao đổi trên thị trường gas) thế giới. Và việc giá dầu thô liên tục tăng trong nhiều ngày qua đã đẩy giá CP thế giới tăng mạnh, chính là nguyên nhân giá gas trong nước phải "chạy theo".

Giá đồ điện tử giảm

Trong bối cảnh rất nhiều mặt hàng tăng giá mạnh như hiện nay thì thị trường đồ điện tử nước ta vẫn tương đối ổn định. Giá của nhiều loại tivi, đầu DVD, dàn âm thanh giữ nguyên so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí, có loại giá đã giảm.

Hầu hết người dân hướng tới dòng sản phẩm giá thấp hơn, và được ưa chuộng nhất là Samsung, LG loại từ 21’’ đến 32’’. Hiện nay, tivi Samsung 32’’ có giá dao động từ 11,7 đến 11,8 triệu đồng/chiếc, giảm khoảng 800 nghìn đồng/chiếc so với cùng kỳ năm ngoái. Tivi LG LCD 32’’ cũng giảm hơn 200 nghìn đồng/chiếc so với thời điểm trước tết.

Trung bình, hàng điện tử của Samsung và LG giảm 300-400 nghìn đồng/sản phẩm so với cùng kỳ năm 2007, sản phẩm của Panasonic và Sony giữ giá. Giá của đầu DVD, dàn âm thanh đứng yên.

Các loại đầu DVD do Việt Nam hoặc liên doanh sản xuất của các hãng như: California, LG, Sony, Panasonic có giá dao động từ 800 nghìn đồng/chiếc đến 1,2 triệu đồng/chiếc. Ngay cả loại đầu mới HDMI mới sản xuất dùng với tivi công nghệ LCD, cho chất lượng hình ảnh đẹp, giá vẫn không tăng.

Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mãi của những trung tâm, siêu thị điện máy lớn: Sài Gòn Nguyễn Kim, Pico, Best Carings còn đưa giá của các mặt hàng này xuống thấp hơn nữa. “Lễ hội LCD” do Pico phối hợp với các hãng: Sony, Panasonic, Sam sung, LG tổ chức mang đến cho khách hàng những sản phẩm điện tử giá rẻ bất ngờ, thấp hơn từ 1-3 triệu đồng/chiếc so với giá niêm yết.

Giá vải thiều đang giảm từng ngày

Những trái vải đầu mùa bán tại TPHCM thời điểm giữa tháng 5 có thể đạt tới 30 nghìn đồng/kg. Từ cuối tháng 5 sang đầu tháng 6, giá vải đã giảm phổ biến từ 10-15 nghìn đồng/kg. Những  ngày vừa qua, giá vải tại các điểm cân ở Lục Ngạn phổ biến ở mức từ 4-7 nghìn đồng/kg. Giá vải bán lẻ tại các chợ và bán rong trên đường phố Hà Nội dao động từ 6-7 ngàn đồng/kg.

Những ngày đầu tháng 6/2008, giá vải bán buôn từ 9 –13 ngàn đồng/kg, nhưng hiện giảm xuống còn 5 ngàn đồng/kg; nếu mua với số lượng lớn giá chỉ còn 4 ngàn đồng/kg.

Theo người dân, do năm nay vải chín rộ, thời gian thu hoạch ngắn, trong khi chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo quản và chế biến vải, nên nhiều người nhận định khi vào chính vụ vải sẽ còn xuống giá. Với họ, xác định thời gian thu hoạch vải thiều chính vụ năm nay chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nên hầu hết toàn bộ hơn 2.000 lò sấy vải trên địa bàn huyện đều đã được người dân chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng nhen lửa khi giá vải tươi xuống thấp hơn. Các điểm bán than, thùng xốp, đá cây… phục vụ cho mùa vải đã sẵn sàng vào vụ.

Thực phẩm, trái cây giảm giá

Tại các siêu thị ở Hà Nội, nhiều loại thực phẩm, trái cây sau thời gian dài sốt giá, đang giảm trung bình 10-20%. Một phần do nguồn cung được đảm bảo, hơn nữa nhiều loại trái cây đang vào vụ.

Gạo và rau là hai mặt hàng có giá giảm nhiều nhất và lượng tiêu thụ tăng mạnh. Riêng gạo giảm so với tháng trước 20-30%, các siêu thị luôn phải nhập thêm hàng, bán chạy nhất là gạo Bắc Hương, Si Dẻo, tám Hải Hậu...

Giá thịt lợn, thịt gà, một số loại cá, ngao, tôm sú ...tại nhiều siêu thị cũng giảm giá so với tháng trước, bình quân 10%.

Đặc biệt, những món ăn truyền thống mà tín đồ của môn túc cầu sử dụng trong mùa Euro như mỳ gói, bia, hoa quả sấy khô, snack... nhìn chung đứng giá, nhiều loại mỳ gói còn giảm nhẹ. Tại BigC, lượng mua tăng tới 25% so với tháng trước.

Trái cây trồng trong nước, nhiều loại đang vào vụ như vải thiều, dứa, mít... nên giá giảm xuống trung bình 20%. Dễ thấy nhất là vải thiều Bắc Giang được bán với giá rẻ, 4.000-8.000 đồng một kg, giảm từ mức 18.000-20.000 đồng trước đó. Ngoài ra, chanh leo, mận đào, dưa hấu của ta cũng hấp dẫn thực khách trong mùa hè này.

Thống kê của nhiều siêu thị cho thấy, trái cây nội phong phú cả về số lượng và chất lượng nhưng nhiều loại trái cây nhập khẩu từ Thái Lan (xoài xanh, sầu riêng, măng cụt…), từ Australia, Chi lê và Mỹ ( như nho, táo,..) vẫn được tiêu thụ mạnh hơn, do có lợi thế về hình thức mẫu mã cũng như thời gian bảo quản.

Tuy nhiên, dòng hàng nhập khẩu đang biến động giá do nguồn cung không ổn định và đặc biệt là tỷ giá dao động mạnh.

Ngược lại với sự giảm giá của nhiều mặt hàng thực phẩm, một số ít mặt hàng được điều chỉnh tăng nhẹ như gia vị, hóa phẩm... Nước mắm của một số hãng tăng trung bình 1.000-2.000 đồng mỗi chai. Đậu phụ, trứng gà, trứng vịt cũng "nhích" lên một chút.

 

 

Nguồn: Vinanet