Mặc dù, Công ty Giấy Tân Mai, công ty cung cấp giấy in báo lớn nhất hiện nay, đã thông báo tăng giá giấy từ ngày 28/6 và các công ty giấy đồng loạt tăng giá thêm 6-21% kể từ ngày 30/6 nhưng thị trường giấy vẫn được dự báo sẽ tăng mạnh vào cuối tháng 7 khiến thị trường giấy đang rất “nóng”.

TheoBộ Công Thương, các nhà sản xuất lớn trên thế giới đã công bố mức giá mới cho các loại giấy bìa (cả tráng và không tráng), áp dụng từ 1/7 hoặc từ 17/7, tuỳ theo từng khu vực. Tại châu Âu, giá sẽ tăng  50 euro/tấn và châu Á là 40-50 USD/tấn (khoảng 11%). Như vậy trong tháng 7/2008, các loại hòm họp carton nhập khẩu về Việt Nam sẽ tăng ít nhất từ 30-40 USD/tấn, sẽ kéo theo sự tăng giá của các nhà sản xuất trong nước. Mức tăng dự kiến của một số đơn vị phía Nam là 300-400 ngàn đồng/tấn cho các đơn hàng mới vào trung tuần hoặc cuối tháng 7/2008.

Tương tự, giá giấy bao bì nhập khẩu sẽ tăng từ 30-50 USD/tấn trong tháng 7, còn tại các thị trường trong nước, giá các loại giấy này dao động từ 6,8-9,8 triệu đồng/tấn, tuỳ loại. Dự báo, trong tháng 7/2008, các nhà sản xuất sẽ tăng từ 0,2-0,4 triệu đồng/tấn cho các đơn hàng mới.

Giấy in báo dù đã tăng lên mức giá mới nhưng do ảnh hưởng của tình hình cắt giảm sản lượng sản xuất giấy in báo trên toàn cầu và khu vực ASEAN, nhu cầu tăng mạnh tại Ấn Độ và Trung Quốc nên lượng nhập khẩu giấy in báo về Việt Na sẽ tiếp tục giảm trong quý III/2008. Khó khăn hơn nữa khi lượng dự trữ của các nhà in, xuất bản trong nước đã dần cạn kiệt. Theo Công ty Giấy Việt Nam, tình hình giấy in báo khan hiếm bắt đầu từ tháng 6/2008 và sẽ kéo dài đến hết quý III/2008. Tổng lượng giấy in báo nhập khẩu trong tháng 6/2008 đạt 4.000 tấn, giảm 9,4% so với tháng trước và giảm 4,15% so với cùng kỳ. Hiện tại, giá giấy in báo nhập về Việt Nam đạt mức 800 USD/tấn và sẽ tiếp tục tăng nữa do nguồn cung tại châu Á bị hạn chế. Giá giấy in báo nhập khẩu về Việt Nam có thể đạt mức 820-850 USD/tấn trong quý III/2008, mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Dự báo, trong tháng 7/2008, lượng giấy các loại nhập khẩu về Việt Nam sẽ giảm mạnh (đặc biệt là giấy in báo) do sự tăng giá hàng loạt các loại giấy trên thị trường  thế giới, chênh lệch tỷ giá ngân hàng và thị trường tự do khan hiếm lượng tiền tệ để nhập khẩu.

 

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam