Liên minh châu Âu (EU) và Gana vừa ký thỏa thuận ngừng xuất khẩu gỗ bất hợp pháp, nhằm kiềm chế nạn phá rừng đang lan tràn tại quốc gia Tây Phi này.
Đây là thỏa thuận đầu tiên trong một loạt các thỏa thuận tương tự mà châu Âu muốn ký kết với các nước đang phát triển để giảm hoạt động buôn bán gỗ đốn bất hợp pháp -có thể phá hủy các khu rừng nhiệt đới với tốc độ nhanh hơn là trồng lại, đồng thời, cản trở những nỗ lực để đối phó với hiện tượng ấm nóng toàn cầu.
Thỏa thuân này sẽ chứng nhận gỗ của Gana bán cho châu Âu được khai thác một cách bền vững. Theo chuyên gia Jade Saunders thuộc Viện lâm nghiệp châu Âu (EFI), với thỏa thuận này, các công ty châu Âu có thể đảm bảo với các khách hàng của mình rằng gỗ mà họ sử dụng là gỗ hợp pháp.
Theo Ngân hàng thế giới (WB), khoảng 60% hoạt động đốn gỗ tại Gana là bất hợp pháp. Gỗ đem lại cho Gana khoảng 400 triệu USD mỗi năm, là nguồn thu xuất khẩu lớn thứ tư của nước này, sau vàng, du lịch và ca cao. Hơn một nửa lượng gỗ xuất khẩu của Gana được chuyển đến châu Âu, chủ yếu là tới Italia, Đức và Pháp.
Theo ông Ralph Ridder, cũng thuộc EFI, người tiêu dùng đã nhận thức được rằng gỗ rẻ có thể đã được đốn bất hợp pháp, gây tổn hại với môi trường và xã hội.
EU hiện đang đàm phán về các thỏa thuận tương tự với Inđônêxia, Camơrun, Malaixia và Cộng hòa Cônggô và hy vọng đợt hàng đầu tiên có chứng nhận sẽ được giao vào cuối năm 2009.
Tuy nhiên, bà Saunders cảnh báo rằng gỗ bất hợp pháp vẫn có thể tìm được thị trường. Trong những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu gỗ sang châu Á không ngừng tăng, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn bùng nổ và các nước khác cần nhiều nguyên liệu để sản xuất hàng hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Có tới một nửa gỗ nhập vào Trung Quốc được xử lý để tái xuất sang châu Âu và Mỹ.
Các chuyên gia môi trường của WWF cho biết, gần 1/5 lượng gỗ mà EU mua năm 2006 là từ các nguồn bị nghi là bất hợp pháp, chủ yếu từ Nga, Inđônêxia và Trung Quốc. Theo họ, kế hoạch này của EU, nếu không đàm phán với Nga và Trung Quốc, thì sẽ chỉ ngăn chặn được chưa đến 10% gỗ bất hợp pháp nhập vào thị trường châu Âu và không đối phó được với các sản phẩm gỗ đã qua xử lý.
Theo Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO), mỗi năm khoảng 13 triệu hécta rừng bị mất do các hoạt động đốn chặt, nông nghiệp và cháy, chủ yếu là tại Amazon, Đông Nam Á và Tây Phi.

Nguồn: Internet