Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố các sáng kiến nhằm giảm nguy cơ gỗ và các sản phẩm gỗ bất hợp pháp xâm nhập vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) và một văn bản chính sách liên quan đến nạn phá rừng nhiệt đới.

Trong khuôn khổ các đề xuất trên, các nhà thương mại phải đảm bảo rằng gỗ và các sản phẩm gỗ do họ bán không có xuất xứ bất hợp pháp. EC khẳng định, những đề xuất này sẽ giúp tăng cường quản lý và sử dụng rừng một cách hợp pháp và bền vững, đặc biệt là tại các nước đang phát triển -những nước muốn duy trì và củng cố hoạt động xuất khẩu lâm sản sang EU. Theo đánh giá của EC, hiện 1/5 gỗ nhập khẩu vào EU có nguồn gốc bất hợp pháp.

EC cũng công bố một văn bản chính sách về hoạt động phá rừng, trong đó đề xuất thiết lập một cơ chế liên quan đến khí thải cácbon trong lâm nghiệp, thông qua các cuộc đàm phán quốc tế. Trong khuôn khổ của cơ chế này, các nước đang phát triển sẽ được thưởng, nếu có thể giảm khí thải thông qua việc giảm phá rừng và giảm được tình trạng rừng suy thoái. Phần lớn khoản tiền trên lấy từ tiền thu được qua hoạt động đấu giá trong Hệ thống hạn ngạch khí thải EU. Ước tính, nếu 5% doanh thu đấu giá được dành cho cơ chế khí thải trong lâm nghiệp, thì số tiền có thể lên đến 2,5 tỷ euro (3,36 tỷ USD) vào năm 2020.

Những đề xuất này sẽ được EU đưa ra tại hội nghị khí hậu của LHQ được tổ chức ở Ba Lan vào tháng 12 tới và cũng sẽ được thảo luận tại các cuộc đàm phán về hiệp định khí hậu mới -dự kiến sẽ được ký kết vào tháng 12/09 ở Côpenhagen. Rừng hiện đang "biến mất" với tốc độ khoảng 13 triệu hécta/năm. Ước tính, phá rừng gây ra 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Mục tiêu của EC là giảm tối thiểu 50% hoạt động phá rừng nhiệt đới vào năm 2020.

Trong khi đó, theo nhận định của Quỹ Thiên nhiên hoang dã (WWF), các sáng kiến trên của EU không thể đáp ứng được các mục tiêu mà khối này mong muốn. Cũng theo WWF, mỗi năm khoảng 27 triệu m3 gỗ bất hợp pháp được nhập vào EU.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam