Tuy nhiên theo VPPA, thời gian qua rất nhiều cơ sở nhỏ, công nghệ lạc hậu, sản lượng thấp đã phải ngừng sản xuất do chi phí cao, chất lượng sản phẩm thấp và do áp lực về quản lý môi trường ngày càng có hiệu lực.
Lượng giấy tiêu dùng ở Việt Nam cả năm 2008 dự kiến đạt mức trên 2,2 triệu tấn, tăng 24% so với năm 2007, trong đó, tăng mạnh nhất là giấy in & viết (49%), tiếp đến là giấy bao bì tăng 35%, tiêu dùng giấy in báo tăng 15%. Các nhà nhập khẩu giấy của khu vực hiện rất quan tâm tới việc nhập khẩu giấy sản xuất tại Việt Nam, nhất là sau khi VPPA tổ chức gian hàng để hội viên xúc tiến thương mại trong Asian Paper 2008 tại Băng Cốc, Thái Lan hồi tháng 4 năm nay. Tuy nhiên các nhà sản xuất của Việt Nam không thể đáp ứng vì không còn giấy để bán.
Để đáp ứng cung cầu mặt hàng giấy, nhất là giấy in báo, giấy in & viết, Công ty CP Giấy Tân Mai và Tổng công ty Giấy Việt Nam đang huy động mọi thiết bị hiện có để tăng sản lượng và khẩn trương nhập khẩu giấy in báo, giấy in, viết để chủ động cung ứng giấy trong những tháng cuối năm, đặc biệt là nhu cầu giấy làm vở học sinh. VPPA cam kết không xảy ra cơn sốt giấy trong thời gian tới.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có Quyết định 71/2008/QĐ-BTC giảm mạnh thuế suất thuế nhập khẩu giấy in báo và giấy dùng để in & viết với mức giảm từ 7-12% so với trước đây. Quyết định này phù hợp với kiến nghị của VPPA về việc khuyến khích các nhà đầu tư trong nước tập trung sản xuất giấy in báo, giấy in, viết bằng công nghệ cao trong thời gian tới. Như vậy đến cuối năm nay, năng lực sản xuất của ngành giấy Việt Nam tăng thêm 20.000 tấn bột khử mực từ giấy tạp chí, sách cũ; 50.000 tấn giấy Tissue/năm và 45.000 tấn giấy làm mặt các tông sóng/năm./.

Nguồn: Tin nhanh hàng ngày