Từ  cuối năm 2003, tỉnh Thanh Hóa đã bàn giao 3 lâm trường: Cẩm Thủy, Bá Thước, Lâm trường Luồng (Lang Chánh) và Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp Ngọc Lặc cho Tổng Công ty Giấy Việt Nam để thành lập Công ty Nguyên liệu giấy Thanh Hóa.   

Công ty Nguyên liệu giấy Thanh Hóa có nhiệm vụ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho Nhà máy Sản xuất giấy và bột giấy Thanh Hóa được xây dựng tại xã Châu Lộc (Hậu Lộc). Vùng nguyên liệu có diện tích khoảng 14.000ha, trên địa bàn 7 huyện miền núi phía tây bắc của tỉnh. Cùng với việc quy hoạch vùng nguyên liệu, tỉnh cũng đã xúc tiến nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích phát triển rừng luồng, phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, từ năm 2004 đến năm 2007, nguồn vốn đầu tư cho vùng nguyên liệu giấy khó khăn do nhà máy chưa được triển khai xây dựng. Các ngân hàng thương mại lấy lý do dự án không có tính khả thi để từ chối cho vay vốn. Vì thế, từ năm 2003 đến năm 2007, 3 lâm trường thuộc công ty nguyên liệu giấy được phân bổ 13 tỷ đồng để bảo vệ 11.468 ha, khoanh nuôi tái sinh 920 ha và trồng mới 2.567,7 ha rừng.  Do nguồn vốn đầu tư dàn trải nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị này không cao. Năm 2007, Tổng Công ty Giấy Việt Nam chỉ đầu tư cho các đơn vị trên trồng mới được 500 ha rừng, năm 2008 dự kiến sẽ đầu tư  trồng thêm 500 ha, song hết 6 tháng đầu năm, các đơn vị này mới trồng được khoảng 60 ha. Thiếu vốn đầu tư, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trồng rừng nguyên liệu giấy thiếu kinh phí duy trì hoạt động sản xuất.

Hiện nay, Nhà máy Giấy và bột giấy Thanh Hóa đã khởi động trở lại và có những bước đi ban đầu dần tháo gỡ khó khăn cho các lâm trường trồng rừng nguyên liệu phục vụ nhà máy giấy. Phó Tổng giám đốc Tổng  Công ty Giấy Việt Nam cho biết, thủ tục vướng mắc nhất là nguồn vốn vay đến nay đã được giải quyết, Nhà máy Giấy và bột giấy Thanh Hóa đã được ký hợp đồng thuê đất, cấp sổ đỏ và tiến hành thi công giai đoạn 1. Giai đoạn 1 của nhà máy sẽ có 10 gói thầu, trong đó một số gói thầu như rà phá bom mìn, di chuyển đường điện 10KV ra khỏi mặt bằng nhà máy... đã hoàn thành. Hiện nay trên công trường đang tiến hành thi công gói thầu số 7 san nền mặt bằng xây dựng nhà máy. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động cuối năm 2010 đầu 2011. Đối với vùng nguyên liệu đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tổng công ty cũng quan tâm đầu tư, tích cực phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển có chính sách đầu tư thỏa đáng để phát triển vùng nguyên liệu.

Được biết dự án trồng cây nguyên liệu giấy Thanh Hóa được Chính phủ phê duyệt có tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, nguồn vốn vay 100% từ quỹ hỗ trợ phát triển Trung ương (nay là Ngân hàng Phát triển Việt Nam). Hiện tại, Thanh Hóa có khoảng 70.000 ha rừng luồng, trên 1 tỷ cây tre nứa và hàng nghìn ha rừng khu vực nông hộ tự trồng sẽ đủ nguyên liệu cho nhà máy giấy hoạt động trong khoảng từ 3 đến 5 năm. Tuy nhiên, nhà máy cần ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu trước một bước; gắn khai thác với kiến thiết và trồng mới để phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững.

 (TTXT TM Thanh Hoá)

 

Nguồn: Vinanet