Giá cà phê trong nước giảm; Giá thực phẩm tiếp tục giảm; Tiêu thụ giấy giảm, lượng tồn kho gần 39.000 tấn; …

Giá cà phê trong nước giảm thêm 200 nghìn đồng/tấn

Giá cà phê thế giới giảm kéo giá cà phê trong nước xuống còn 40,9 - 41,1 triệu đồng/tấn, giảm 200 nghìn đồng/tấn so với hôm qua.

So với cuối tuần trước, giá cà phê trong nước giảm 1,6 triệu đồng/tấn.

Giá cà phê robusta giao tại cảng FOB (HCM) cũng giảm thêm 20 USD xuống còn 2.030 USD/tấn.

Bình Định: Trúng mùa ốc hương

Theo các hộ nuôi ốc hương ở xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn, Bình Định, hiện nay các thương lái đang thu mua ốc hương loại lớn ở địa phương này với giá 125.000 đồng - 130.000 đồng/kg.

Mức giá này giảm từ 50.000 - 60.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Vì lẽ đó, dù năm nay được mùa ốc hương nhưng do chi phí đầu tư cao, giá bán thấp khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn.

Được biết năm 2012, toàn xã Nhơn Hải có 14 hộ ngư dân đầu tư gần 500 triệu đồng thả nuôi trên 300 vạn con ốc hương thương phẩm tại đảo Hòn Khô.

Giá thực phẩm tiếp tục giảm

Liên tục trong những ngày qua, giá bán nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ đầu mối, siêu thị tiếp tục giảm, bất chấp giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng tới 3 lần trong vòng 3 tuần.

Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, giá bán nhiều loại rau củ quả tiếp tục giảm 500 - 2.000 đồng/kg tùy loại. So với ngày 6-8 (tức gần 10 ngày về trước), giá bầu và bí hiện chỉ còn 3.000 đồng/kg (giảm từ 500-1.000 đồng/kg); cà chua còn 6.500 đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg), dưa leo còn 3.500 - 4.000 đồng/kg (giảm 1.000 đồng), trái xu xu còn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg (giảm từ 1.500 - 2.000 đồng),…

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản và lý kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, nguyên nhân chính dẫn đến giá giảm là do lượng hàng về chợ vẫn đạt ở mức rất cao, khoảng hơn 3.200 tấn/đêm. Hàng về nhiều, trong khi sức mua không tăng, thậm chí còn giảm dẫn đến cung vượt cầu, giá giảm.

Theo dự báo của bà Nguyễn Thanh Hà, trong thời gian tới, giá bán các mặt hàng rau củ tại chợ Thủ Đức sẽ tiếp tục ổn định ở mức thấp do thời tiết rất thuận lợi cho việc gieo trồng. Mặt khác, thu nhập của đại bộ phận người dân không tăng so với mặt bằng giá cả hiện nay nên mức cầu không cải thiện. Điều này có thể lý giải vì sao giá xăng dầu đã điều chỉnh tới 3 lần chỉ trong 3 tuần nhưng giá các mặt hàng tại chợ đầu mối vẫn ổn định.

Tương tự, tại chợ đầu mối Bình Điền, lượng hàng hóa về chợ luôn trong tình trạng cung vượt cầu nên nhiều tiểu thương phải kéo dài thời gian bán hàng tới 10 - 11 giờ trưa. Tối 14-8, lượng heo về chợ đạt 240 tấn/đêm, tăng 10% so với 1 tuần trước đó; thủy hải sản đạt cũng đạt hơn 900 tấn/đêm. Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc Công ty Chợ đầu mối Bình Điền cho biết, giá heo mảnh hiện chỉ còn 44.000 đồng/kg; cá thu loại 1 còn 125.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg), cá nục còn 23.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng), cá tra 23.000 đồng/kg (giảm 2.000 đồng)… Giá bán nhiều mặt hàng trong tuần qua giảm, nhưng do giá xăng dầu đã điều chỉnh đến lần thứ 3 nên trong những ngày tới, ban quản lý sẽ theo dõi thật sát những biến động từ thị trường.

Tiêu thụ giấy giảm, lượng tồn kho gần 39.000 tấn

Ngoài áp lực tăng giá đầu vào, ngành giấy trong nước còn phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm giấy nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn do giá một số loại vật tư, nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào vẫn biến động theo chiều hướng tăng, tác động vào giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, ngành giấy trong nước còn phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm giấy nhập khẩu.

Theo Tổng công ty Giấy Việt Nam, một nguyên nhân nữa do thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy đầu tư với quy mô lớn đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chậm, lượng tồn kho cao khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn.

Đến hết tháng 7, sản lượng tiêu thụ của toàn Tổng công ty chỉ đạt 48% kế hoạch năm, bằng 85% so với cùng kỳ năm trước. Lượng giấy tồn kho lên tới trên 38.962 tấn, trong đó tồn kho của Công ty mẹ là 18.500 tấn, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, giá bột giấy nhập khẩu trong 6 tháng liên tục giảm, đến gần 20% so với đầu năm 2012, kéo theo giá bán giấy trên thị trường giảm, trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào khác như điện, than lại tăng khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn.

Để giảm bớt gánh nặng tồn kho, Tổng công ty Giấy Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện trong việc xúc tiến thương mại xuất khẩu; đồng thời đề xuất cho phép công ty mẹ được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế giá trị gia tăng trong 5 tháng cuối năm.

Nguồn: Vinanet