Trong tuần từ 12-16/10, trên thị trường thế giới giá than DES ARA và Richards Bay tại châu Âu ít biến động khi không khí giao dịch vẫn diễn ra kém sôi động.

Theo các thương nhân, ngoài tác động của tỷ giá tiền tệ, giá than thường có xu hướng điều chỉnh theo thị trường dầu mỏ. Ngày 15/10, giá chào bán than cho  hợp đồng giao tháng 12/09 đứng ở mức 72,5-73,5 USD/tấn, DES ARA. Than Nam Phi chào bán với hợp đồng giao tháng 11/09 đứng ở  mức 63,5 USD/tấn, FOB Richards Bay.

Trên thị trường châu Á, bất chấp nhu cầu giảm, giá than nguyên liệu cho nhà máy điện tại Australia được coi như giá tham chiếu cho thị trường than châu Á – đã nhích lên, đứng vững trên 71 USD/tấn vào đầu tuần nhờ được tạo lợi thế bởi giá dầu thô thế giới lên mạnh. Giá chào bán than nhiệt lượng cao đầu tuần đã tăng 0,5 USD/tấn so với tuần trước đó, lên đạt mức 71,25 USD/tấn, FOB Newcastke.

Hiện tượng cước phí vận tải biển tăng cao trong hai tuần qua đã làm nguội lạnh nhu cầu đặt mua than từ Trung Quốc. Tại cảng than lớn nhất Trung Quốc, Qinhuangdao, giá than nhiệt lượng cao tuần qua cũng có chiều hướng lên nhẹ so với cuối tháng 9/2009 nhờ nhu cầu có dấu hiệu chuyển biến tích cực trong bối cảnh mùa đông đang đến gần và kinh tế chuyển biến rõ rệt. Giá than loại 5.800 kcal/kg tăng 10 NDT (1,47 USD), lên đạt 635-650 NDT/tấn; loại 5.500 kcal/kg có giá khoảng 600-615 ND/tấn, tăng gần 2%.

Theo thống kê, tiêu thụ điện tại Trung Quốc tháng 9/09 tăng 10,24% so với cùng kỳ năm ngoái, tháng đầu tiên (trong 16 tháng trở lại đây) đạt mức tăng trưởng hai con số. Dự kiến nhu cầu than của Trung Quốc sẽ còn gia tăng, đặc biệt đối với than hiệt lượng cao, khi mùa đông đang tới. Ngoài ra, nhập khẩu than đi xuống cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu than khai thác từ thị trường nội địa gia tăng.

Tại thị trường Việt Nam, giá than xuất khẩu ngày 19/10 có giá 1.300.000 VND/tấn đối với than cục tân thu AK 13,1-17% cỡ hạt 15-50mm, tại cửa khẩu Cảng Cẩm Phả; Giá than Hòn Gai số 12 A xuất khẩu có giá 43 USD/tấn, tại cửa khẩu hải quan Vạn Gia Quảg Ninh.

Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản (TKV) cho biết, Tập đoàn vừa gửi thông báo tăng giá bán than cho 4 hộ tiêu thụ lớn gồm xi măng, phân bón, giấy và hóa chất. Mức tăng phổ biến từ 25% đến 30% so với hiện hành.

Lần tăng giá này được TKV giải thích là tăng theo đúng lộ trình mà Liên bộ Tài chính - Công Thương phê duyệt. Thời gian áp dụng sẽ chia làm 2 đợt. Đợt một được thực hiện từ tháng 9 với mức tăng 25-30% so với hiện hành. Theo đó, giá than cục bán cho sản xuất phân đạm sẽ tăng 30%, sản xuất phân lân tăng 25%so với giá bán hiện hành. Giá bán than cám cho sản xuất xi măng, giấy, phân bón cũng tăng 25% so với giá bán hiện tại.

Theo số liệu thống kê, trong tuần 2 của tháng 9 (từ 16 đến 30/9), cả nước đã xuất khẩu 1,01 triệu tấn than đá trị giá 58,22 triệu USD, tăng 12,6% về lượng và 10,38% so với kỳ 1 của tháng 9 (từ 1/0 đến 15/9). Tính chung 9 tháng năm 2009, cả nước xuất khoảng 17,68 nghìn tấn than với trị giá 919,11 triệu USD tăng 3,37% về lượng nhưng giảm 20,23% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện thị trường than đá Việt Nam đã mở rộng tới hơn 30 quốc gia trên thế giới. Trung Quốc là khách hàng lớn, chiếm khoảng 35% lượng than xuất khẩu của Việt Nam, tiếp đến là Nhật Bản, chiếm 30%.

Theo dự đoán của Goldman Sachs JBWere Pty, giá quặng sắt sẽ tăng 9% và giá than sẽ tăng 16% do nhu cầu của Trung Quốc tăng trong khi nguồn cung nội địa thắt chặt. Giá quặng sắt nguyên chất có thể đạt mức 72 USD mỗi tấn trong năm tới so với dự đoán trước đó là 66 tấn. Giá than đá có thể tăng lên 180 USD/tấn so với dự đoán trước đó là 155 USD/tấn. Nhu cầu quặng sắt tăng mạnh nhờ gói kích cầu trị giá 4 nghìn tỷ NDT của Trung Quốc. Dự đoán, trong năm tới, nhập khẩu nguyên liệu thô của Trung Quốc sẽ tăng 20% so với dự đoán gần đây.

Với dự đoán trên, sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam ra thị trường thế giới và có nhiều ưu thế trong việc nâng giá lên cao hơn.

 

Nguồn: Vinanet