Nước Nga có nguồn tài nguyên rừng khổng lồ với trữ lượng  82 tỉ m3 gỗ, trong đó gỗ được phép khai thác chiếm 531 triệu m3. Hàng năm nguồn gỗ sẽ được bổ sung thêm 920 triệu m3, lượng gỗ khai thác chừng 186 triệu m3.
 
Vùng Viễn Đông-LB Nga với diện tích 6 215,9 ngàn km2 gắn liền với hình ảnh núi rừng trùng  điệp có nguồn lâm sản dồi dào, đặc biệt là gỗ, chiếm 25% diện tích rừng nước Nga và chiếm tới 33% trữ lượng gỗ toàn Liên bang. Trong Vùng có nhiều loại gỗ nổi tiếng như gỗ tùng, bách, bạch dương, thông, sồi, tuyết tùng,…
 
Những năm qua vùng này XK chủ yếu các sản phẩm gỗ cây (gỗ tròn) chưa chế biến. Năm 2006, Viễn Đông XK khoảng 14 triệu m3 gỗ, trị giá 1 184,6 triệu USD (chiếm 14,5% kim ngạch XK toàn vùng), trong đó gỗ cây chiếm tới 80%. Quý I/2007, theo số liệu Hải quan VĐ, toàn Vùng XK 4,8 triệu m3 (tăng 25% so với quý I/2006), trong đó gỗ cây chiếm 97%. Lượng gỗ cây XK đi các nước như sau: Trung Quốc chiếm 56%, Nhật 29%, Hàn Quốc 11%, lượng không đáng kể (4%) XK đi Triều Tiên, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Việt Nam.
 
Nguyên nhân của việc XK gỗ cây là chủ yếu, xuất phát từ điều kiện khách quan và chủ quan. Thứ nhất, do sự thay đổi cơ cấu kinh tế, thiếu nguồn vốn đầu tư, nhiều nhà máy chế biến gỗ bị đóng cửa, hoặc hoạt động với máy móc thiết bị cũ, lạc hậu, giá thành sản phẩm cao, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường nước ngoài. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp lâm sản chỉ lo khai thác, kinh doanh, XK gỗ cây, chạy theo lợi nhuận trước mắt, chưa tính đến lợi ích tổng thể lâu dài.
 
Tại Viễn Đông cũng như ở nhiều vùng khác của nước Nga đang diễn ra tình trạng  khai thác gỗ thiếu kế hoạch, chặt phá rừng bừa bãi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ và khai thác lâu dài nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này.
 
Trước tình trạng trên, Chính phủ Nga, ngành CN rừng đang tích cực áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế dần từng bước XK gỗ cây, bằng cách chú trọng phát triển CN chế biến gỗ và điều tiết bằng biện pháp thuế quan. Mấy năm gần đây, mức thuế NK máy móc, thiết bị cho CN chế biến gỗ đã giảm đến mức thấp nhất; tạo cơ chế đầu tư hấp dẫn vào ngành CN này. Đồng thời áp dụng mức thuế xuất ngày càng tăng đối với gỗ cây.
 
Theo NĐ CP Nga số 75 ngày 5/2/2007 thuế xuất gỗ cây sẽ tăng dần theo lộ trình. Từ 1/7/2007 mức thuế xuất gỗ cây là 20% trị giá hàng XK (mức thuế trước đó là 6,5% trị giá hàng, nhưng không dưới 4 euro/m3). Từ 01/04/2008 áp mức thuế xuất 25% trị giá hàng XK. Từ 1/1/2009 mức thuế xuất sẽ tới 80% trị giá hàng XK.
 
Đây cũng là thử thách rất lớn đối với các doanh nghiệp khai thác, XK gỗ, vì thông thường, để hiện đại hóa ngành CN sản xuất, chế biến gỗ cũng phải mất 5-6 năm. Song đây cũng là xu thế tất yếu nhằm đẩy mạnh ngành CN rừng, tăng trị giá XK sản phẩm gỗ và giải quyết việc làm cho người lao động. Tương lai NK gỗ cây từ thị trường Nga nói chung và Viễn Đông nói riêng không còn rộng mở. Rừng nước Nga mênh mông, nhưng con đương NK gỗ cây đang thu hẹp dần.
 
Việt nam đang cần nguồn nguyên liệu gỗ ổn định, lâu dài để phục vụ sx và XK đồ gỗ; ngoài kế hoạch trong nước, phải chăng cũng đã đến lúc tính việc mở rộng đầu tư, liên doanh trong ngành khai thác, chế biến gỗ ở Viễn Đông

Nguồn: Internet