Tại miền Bắc nhiều nơi tăng đều, dao động 32.000 - 38.000 đ/kg
Giá lợn hơi tại nhiều tỉnh miền Bắc đồng loạt tăng 1.000 đ/kg. Trong đó Tuyên Quang 33.000 đ/kg, Thái Nguyên 35.000 đ/kg, Hải Dương và Bắc Giang 34.000 đ/kg.
Toàn miền hôm nay có Vĩnh Phúc và Thái Bình giảm nhẹ từ 35.000 đ/kg xuống còn 34.000 đ/kg.
Giá tại Phú Thọ ở mức tương đối thấp 32.000 - 33.000 đ/kg. Nhìn chung, giá lợn hơi miền Bắc hôm nay vẫn dao động từ 32.000 - 38.000 đ/kg, với mức giá phổ biến 33.000 - 35.000 đ/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên biến động nhẹ
Khu vực này giá ít biến động, trong đó tỉnh Hà Tĩnh và Phú Yên giảm 1.000 đ/kg, xuống còn 36.000 đ/kg tại Hà Tĩnh và còn 31.000 đ/kg tại Phú Yên.
Toàn miền chỉ có Đắc Lắk giá tăng nhẹ từ 32.000 đ/kg lên 33.000 đ/kg. Các địa phương khác như Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình giá dao động quanh mức 35.000 đ/kg.
Như vậy, giá lợn hơi tại khu vực đang được thu mua trong khoảng 31.000 - 36.000 đ/kg.
Tại miền Nam tương đối ổn định
Miền Nam hôm nay tương đối ổn định, đa số các địa phương có giá bằng hôm qua. Chỉ có duy nhất tỉnh Long An giá giảm nhẹ khoảng 1.000 đ/kg, xuống còn 31.000 đ/kg. Các địa phương trọng điểm như Đồng Nai giá đang dao động quanh mức 30.000 đ/kg, Tp. Hồ Chí Minh 31.000 đ/kg.
Hiện, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam trong khoảng 27.000 - 33.000 đ/kg.
Chăn nuôi lợn giảm
Bộ NN cho biết, với mức giá thấp như hiện nay, người chăn nuôi vẫn trong tình trạng hòa vốn, chi phí chăn nuôi còn cao khiến người chăn nuôi lợn e ngại tái đàn. Bộ NN ước tính, tổng số lợn của cả nước trong tháng 2 giảm khoảng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính đến ngày 25/2, cả nước có dịch lở mồm long móng típ O xảy ra tại 3 huyện, gồm Sông Mã, Bắc Yên và Phù Yên thuộc tỉnh Sơn La. Trong khi chăn nuôi lợn vẫn gặp nhiều khó khăn, thì ngành chăn nuôi gia cầm lại phát triển tương đối thuận lợi. Giá cả ổn định nên người chăn nuôi có lãi; nhiều hộ, trang trại nuôi tiếp tục phát triển đàn. Bộ NN ước tính, tổng số gia cầm của cả nước trong tháng 2 tăng khoảng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đẩy mạnh xuất khẩu thịt đông lạnh
Tập trung phát triển sản phẩm thịt lợn đông lạnh để xuất khẩu có thể giúp ngành chăn nuôi lợn hơi của nước ta thoát được những cơn khủng hoảng về giá.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai, nhu cầu nhập khẩu thịt lợn đông lạnh của Trung Quốc đang rất lớn với mức giá khá tốt. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung có thể liên kết sản xuất để đưa thịt lợn xuất ngoại.
Nếu xuất khẩu được thịt lợn đông lạnh theo đường chính ngạch vào Trung Quốc, người chăn nuôi sẽ thoát được những cơn khủng hoảng dài về giá. Hơn nữa, xuất khẩu lợn đông lạnh khá thuận lợi cho việc bảo quản và vận chuyển, đặc biệt không còn lo lợn quá lứa chưa bán được.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Trung Quốc là thị trường lớn, chỉ cần 2 - 3 tỉnh nhập khẩu lợn đông lạnh của Việt Nam thì người chăn nuôi sẽ có đầu ra ổn định. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu vào Trung Quốc theo đường chính ngạch thì trước hết, Việt Nam phải đảm bảo vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Nguồn: VITIC/Vietnammoi.vn

Nguồn: Vinanet