Tháng 5/2021 đánh dấu thời điểm giá ngô vượt ngưỡng 700 US cent/bushel lần đầu tiên trong vòng 8 năm, và đạt mức cao nhất trong vòng 9 năm vào ngày 7/5/2021, khi hợp đồng ngô tham chiếu (kỳ hạn tháng 7/2021) trên sàn Chicago đạt 771-3/4 US cent/bushel vào ngày 7/5/2021, tăng khoảng 150% so với chỉ 307-3/4 US cent trước đó 9 tháng (1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá ngô Brazil và Liên minh Châu Âu (EU) – hai nhà cung cấp ngô lớn khác – cũng tăng theo xu hướng giá ngô Mỹ. Theo đó, giá ngô EU ngày 28/5/2021 đạt 267,75 EUR/tấn (tăng hơn 60% so với chỉ 164,5 EUR trước đó 9 tháng); ngô Brazil cũng tăng từ 43,8 real/bao đầu tháng 6/2020 lên 102,46 real đầu tháng 5/2021 (tăng khoảng 140%).
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá ngô Mỹ đã tăng hơn 50%, mức tăng nhiều chưa từng có trong 5 tháng đầu năm của ít nhất là từ 1973. Mức tăng nhiều thứ 2 ghi được là vào năm 2008, khi đó 5 tháng đầu năm giá ngô Mỹ tăng 38%.

Sức nóng của thị trường ngô chưa dịu đi dù giá vừa giảm mạnh - Ảnh 1.

Sức nóng của thị trường ngô chưa dịu đi dù giá vừa giảm mạnh - Ảnh 1.
Có hai nguyên nhân chính đẩy giá ngô tăng mạnh trong thời gian qua, đó là: (1) Khô hạn ở Brazil gây mất mùa, buộc khách hàng phải tập trung mua ngô Mỹ, và (2) nhu cầu ngô trên thế giới tăng mạnh, nhất là từ Trung Quốc.
Tại Brazil, quốc gia xuất khẩu ngô lớn thứ hai thế giới, khoảng 60% diện tích gieo trồng ngô vụ Đông (Safrinha, mùa vụ thứ hai trong năm) của Brazil hiện đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài trong vài tháng qua. Vụ Đông thường chiếm đến 75% - 80% tổng sản lượng ngô của nước này. Dữ liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Brazil cho thấy khoảng 44% diện tích canh tác ngô tại vùng Mato Grosso – khu vực gieo trồng ngô lớn nhất Brazil đối mặt các tác động tiêu cực của thời tiết.
Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) đã hạ dự báo sản lượng ngô của Brazil niên vụ 2020/2021 xuống mức 105 triệu tấn, thấp hơn 2 triệu tấn so với các dự báo trước đó. Trong khi đó, hãng tư vấn nông nghiệp AgRural (Brazil) dự báo sản lượng ngô sẽ chỉ đạt khoảng 103,4 triệu tấn. Một số dự báo khác thậm chí nhận định sản lượng ngô của Brazil sẽ ở dưới mức 100 triệu tấn do tình hình thời tiết bất lợi.
Trong khi đó, Cơ quan giám sát nguồn cung nông sản Brazil (Cobab) cho biết nông dân nước này đang có xu hướng tích trữ ngô thay vì bán ra với kỳ vọng giá ngô sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa khi tình trạng hạn hán sẽ còn tiếp diễn, khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung ngô Brazil sẽ còn kéo dài.
Giá ngô trong nước tăng mạnh khiến Brazil thậm chí đã phải miễn thuế nhập khẩu ngô đối với các quốc gia nằm ngoài Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) cho đến cuối năm nay nhằm giữ ổn định lạm phát trong nước trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc nội địa đẩy giá lượng thực tăng vọt.
Ngoài yếu tố Brazil, một lý do khác không kém phần quan trọng đẩy giá ngô tăng vọt, đó là nhu cầu ngô trong thời gian qua đã tăng mạnh, nhất là từ Trung Quốc.

Sức nóng của thị trường ngô chưa dịu đi dù giá vừa giảm mạnh - Ảnh 2. Nhập khẩu ngũ cốc thế giới qua các năm: Nhập khẩu ngô không ngừng tăng mạnh

Trong năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu lượng ngô Mỹ cao kỷ lục do giá ngô trong nước của Trung Quốc cũng đạt kỷ lục cao giữa bối cảnh các kho dự trữ ngô dã cạn kiệt và nước này đang khôi phục đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi nghiêm trọng.

Sức nóng của thị trường ngô chưa dịu đi dù giá vừa giảm mạnh - Ảnh 3.

  Nhập khẩu ngô vào Trung Quốc tăng vọt trong năm 2020-21 và 2021-22

Nhập khẩu ngô vào Việt Nam năm qua cũng đạt mức cao kỷ lục do nhu cầu tăng cao cho ngành thức ăn chăn nuôi, trong bối cảnh sản lượng ngô trong nước những năm gần đây liên tiếp giảm.

Sức nóng của thị trường ngô chưa dịu đi dù giá vừa giảm mạnh - Ảnh 4.

  Sản lượng ngô, sử dụng trong chăn nuôi và nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam

Triển vọng giá ngô
Sau khi đạt mức cao kỷ lục như trên, giá ngô đã quay đầu giảm liên tiếp từ đó đến nay. Theo đó, giá ngô Mỹ kỳ hạn tháng 7 (hợp đồng tham chiếu) đã giảm 15% kể từ ngày 7/5 đến ngày 28/5, xuống mức 735-1/4 US cent/bushel. Mức giảm 15% chỉ trong 3 tuần là mức giảm nhiều nhất đối với hợp đồng kỳ hạn giao sau 2 tháng cũng kể từ ít nhất là năm 1973, vượt xa mức giảm nhiều thứ 2 và thứ 3 của quá khứ (năm 2001 mức giảm nhiều nhất là 8%, năm 2014 mức giảm nhiều nhất năm là 7%). Mặc dù vậy, giá ngô thế giới hiện vẫn đang ở mức cao nhất trong vòng 8 năm.

Sức nóng của thị trường ngô chưa dịu đi dù giá vừa giảm mạnh - Ảnh 5.

  Mức độ biến động giá ngô Mỹ từ năm 1973 đến 2021

Việc giá ngô gần đây quay đầu giảm mạnh nhưng vẫn duy trì ở mức cao nhất gần một thập kỷ khiến cho việc dự đoán về giá trong tương lai trở nên khó chính xác.
Nguồn cung ngô toàn cầu bị thắt chặt đột ngột đến mức nghiêm trọng nhất trong nhiều năm đã khởi đầu cho việc tăng giá vào năm ngoái. Sự thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu mạnh mẽ, nhất là từ trung Quốc, là những nguyên nhân chính đẩy giá ngô năm qua tăng mạnh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, xen kẽ giữa những yếu tố có lợi cho giá ngô đi lên thì đã xuất hiện một số thông tin gây bất lợi.
Việc gieo trồng ngô ở Mỹ đang diễn ra thuận lợi. Mặc dù một số nơi có thể sẽ bị khô hạn trong cả mùa Hè, song tuần qua nhiều vùng hạn hán đã có mưa. Ngay sau cơn mưa này (hôm 25/5), giá ngô kỳ hạn tháng 7 đã giảm 5,6% chỉ trong một phiên, mức giảm mạnh nhất trong ngày (đối với hợp đồng tham chiếu) kể từ 12/8/2019.
Đã xuất hiện dự báo giá ngô sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 4 USD/bushel. Kết quả khảo sát của Reuters cho thấy, trong số 1.046 thương nhân được hỏi, có khoảng 43% tin rằng đến tháng 10/2022 thì giá ngô sẽ giảm về 4 USD/bushel, trong khi có 13% tin rằng giá sẽ về mức 3 USD vào tháng 10/2021.
Lần cuối cùng hợp đồng ngô tương lai (kỳ hạn tham chiếu) giao dịch dưới 4 USD là vào ngày 4/11/2020. Từ đầu năm 2021 đến nay, 69% số ngày giao dịch có giá ngô khoảng 5 USD, và khoảng 20% có giá trên 6 USD.
Năm gần đây nhất mà giá ngô giao dịch ở mức trên dưới 4 USD/bushel trong gần suốt năm là 2013. Năm 2014, giá ngô phần lớn giao dịch dưới 5 USD. Nhưng từ năm 2015 đến 2020, giá ở quanh mức 3 đến 4 USD, trong đó số ngày giá 3 USD nhiều hơn là 4 USD.
Tỷ lệ thời gian giá hợp đồng tham chiếu quanh mức 3 USD trong năm 2017 lên đến 99%, trong khi năm 2018 là 96%.

Sức nóng của thị trường ngô chưa dịu đi dù giá vừa giảm mạnh - Ảnh 6.

  Khoảng giá ngô Mỹ trong một thập kỷ qua (hợp đồng ngô tham chiếu, ĐVT: USD/bushel)

Dự báo giá ngô sắp tới sẽ giảm càng được củng cố khi có thông tin khách hàng Trung Quốc gần đây đã hủy nhiều đơn đặt mua ngô Mỹ. Đã có gần 1 triệu tấn ngô Mỹ bị khách hàng Trung Quốc hủy bỏ. Mặc dù con số này không lớn so với mức 23 triệu tấn nước này đã mua của Mỹ trong năm 2020/21.
Tuy nhiên, vẫn có không ít chuyên gia nhận định giá ngô cũng như các loại ngũ cốc khác sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa trong thời gian tới khi nhu cầu của các quốc gia khác dần hồi phục sau đại dịch Covid-19 giữa bối cảnh hạn hán ở Brazil vẫn đang nghiêm trọng.
Brazil đang gánh chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 91 năm. Cơ quan giám sát thời tiết thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil cũng đã ban hành "cảnh báo hạn hán khẩn cấp" từ tháng 6 đến tháng 9. Cơ quan này cho biết tình trạng ít mưa có khả năng vẫn xảy ra ở 5 bang của Brazil trong thời gian trên. Bộ Mỏ và Năng lượng cũng thông báo tình trạng khô hạn sẽ còn kéo dài trong những tháng tới, đặc biệt là ở các khu vực đông nam và trung tâm phía tây Brazil. Hạn hán sẽ làm cho nguồn cung ngô của nước xuất khẩu ngô lớn thứ 2 thế giới này còn tiếp tục khan hiếm.
Trong khi đó, nhu cầu ngô sẽ tiếp tục tăng do ngành chăn nuôi hồi phục mạnh sau đại dịch.
Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu ngô và đậu tương tại Trung Quốc đang gia tăng mạnh khi nông dân nước này bắt đầu tái đàn heo trở lại sau đợt dịch tả lợn Châu Phi hồi năm 2019. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu ngô và đậu tương lớn nhất thế giới.
Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho thấy tổng số lợn nái sinh sản của nước này hiện đương đương 95% mức cuối năm 2017 – thời điểm trước khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra; trong khi đó, đàn lợn hơi hiện ở mức trên 400 triệu con và sản lượng lợn hơi của nước này được nhận định đang trên đà phục hồi ổn định.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng khẳng định nếu tính đến các yếu tố như sản lượng lợn hơi sớm phục hồi, số lượng lợn con... dự kiến số lượng lợn hơi xuất chuồng trong nửa đầu năm nay sẽ tăng khoảng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, các dự báo trước đây đều đánh giá thấp nhu cầu nhập khẩu ngô và đậu tương của Trung Quốc. Ông Peter Meyer, trưởng ban phân tích ngũ cốc và dầu thực vật thuộc hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts, cho biết "Mới 6 tháng trước đây, hầu như không có ai quan tâm đến việc nhập khẩu ngô của Trung Quốc nhưng giờ đây các doanh nghiệp nước này đang ồ ạt thu mua ngô Mỹ".
Trong báo cáo tháng 5, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo lượng ngô Mỹ Trung Quốc nhập về trong niên vụ 2021/2022 sẽ đạt 26 triệu tấn, tương tự như năm 2020-2021. USDA cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngô trên thị trường quốc tế sẽ tiếp tục kéo dài, do đó giá ngô sẽ còn neo ở mức cao trong thời gian tới.
Trước đó, vào tháng 10/2020, USDA chỉ dự báo tổng lượng ngô được Trung Quốc nhập khẩu trên toàn cầu sẽ chỉ ở mức 7 triệu tấn.
Giá thịt lợn ở Trung Quốc đã giảm trong thời gian gần đây, nhưng vẫn ở mức cao, và giá ngô tại Trung Quốc hiện vẫn cao kỷ lục, mặc dù nước này đã xuất bán khá nhiều lúa mì và gạo dự trữ quốc gia.
Ngoài ra, để giảm bớt việc sử dụng ngô và giúp hạ nhiệt giá, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc tháng 4 vừa qua đã ban hành hướng dẫn mới đề xuất tỷ lệ bao gồm ngô trong thức ăn cho lợn và gia cầm thấp hơn và khuyến nghị lúa miến và lúa mạch (có nguồn cung dồi dào trên thế giới) thay thế ngô trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khác. Do đó, nhập khẩu ngô vào Trung Quốc năm tới dự báo vẫn giữ nguyên như năm nay, song nhập khẩu lúa miến và lúa mạch dự báo sẽ tăng mạnh. Tổng nhập khẩu ngũ cốc thô vào Trung Quốc năm 2021-2022 dự báo đạt gần 50 triệu tấn, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại ngũ cốc toàn cầu.
Theo USDA, nhập khẩu ngô của Hàn Quốc và Nhật Bản năm 2021-2022 cũng sẽ hồi phục nhẹ sau một năm bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi nhu cầu của Trung Quốc và lo ngại về dịch cúm gia cầm HPAI. Khối lượng thức ăn chăn nuôi sử dụng ở hai thị trường này được dự báo sẽ trở lại mức 2019/20. Tuy nhiên, tại Đài Loan, việc sử dụng thức ăn chăn nuôi sẽ giảm nhẹ do giá hàng hóa, vận chuyển và thức ăn chăn nuôi trong nước cao đẩy tăng chi phí chăn nuôi.
Dự báo nhập khẩu ngô của Liên minh châu Âu sẽ tăng 4,0 triệu tấn lên 16,0 triệu do nguồn cung phục hồi tại Ukraine, đối tác thương mại ngô chính của nước này. Dự báo nhập khẩu ngô của Vương quốc Anh giảm 500.000 tấn xuống 2,2 triệu tấn. Cả EU và Vương quốc Anh đều dự kiến sẽ giảm sử dụng lúa mạch làm thức ăn chăn nuôi vào năm 2021/22 và tăng sử dụng lúa mì; tỷ lệ ngô trong thức ăn chăn nuôi dự báo cũng sẽ tăng ở khu vực này.
Nhập khẩu ngô vào Mexico được dự báo sẽ tăng 500.000 tấn lên mức kỷ lục 17,0 triệu do nhu cầu thức ăn gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực gia cầm. Trong những năm gần đây, lĩnh vực này là ngành sử dụng ngô chính vì thịt gà và trứng được coi là những lựa chọn thay thế hợp lý và lành mạnh hơn cho các loại protein động vật khác. Mặc dù Mexico là nhà sản xuất ngô lớn thứ tám, chủ yếu là ngô trắng, nhưng nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu ngô vàng để làm thức ăn chăn nuôi.
Trong số các nước Bắc Phi, nhập khẩu ngô của Ai Cập được dự báo ở mức gần kỷ lục 10,4 triệu tấn do kỳ vọng nhu cầu thức ăn chăn nuôi, chủ yếu trong ngành gia cầm, tăng mạnh. Bất chấp những lo ngại về Covid-19, quốc gia này đã nhập khẩu một lượng kỷ lục ngô trong năm 2019 - 202020. Khi ngành chăn nuôi gia cầm tiếp tục hiện đại hóa để sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả, nhập khẩu ngô dự kiến sẽ tăng. Ngành chăn nuôi gia cầm là ngành sử dụng ngô nhiều nhất.
Đối với Maroc, nhập khẩu ngô được dự báo sẽ tăng trưởng vừa phải, nhưng lúa mạch dự báo sẽ giảm mạnh do nguồn cung địa phương dồi dào. Với điều kiện thời tiết thuận lợi trong mùa xuân, lúa mạch, loại ngũ cốc chủ yếu được trồng trong nước, dự kiến sẽ phục hồi sau 2 năm hạn hán liên tiếp, giảm bớt nhu cầu nhập khẩu.
Nhập khẩu ngô vào Việt Nam năm 2021-2022 được USDA dự báo là vững ở mức 13,0 triệu tấn trong bối cảnh sản xuất trong nước tiếp tục xu hướng giảm và nhu cầu thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng. Năm 2020/21, Việt Nam được dự báo là nhà nhập khẩu ngô lớn thứ 5 trên thế giới và dự kiến sẽ duy trì vị trí đó vào năm 2021/22. Bất chấp những lo ngại về dịch tả lợn châu Phi, bắt đầu từ tháng 2 năm 2019, nhập khẩu ngô và nhu cầu thức ăn chăn nuôi sẽ tăng so với năm trước.

Nguồn: cafef.vn