Bangladesh, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã nổi lên thành nhà nhập khẩu gạo lớn trong năm nay do dự trữ cạn kiệt và giá trong nước lên cao kỷ lục sau những đợt lũ lụt nghiêm trọng.

“Chúng thôi có thể sẽ không ký hợp đồng với Thái Lan vì giá họ chào bán quá cao”, một quan chức Bộ Lương thực cho biết.
Ông này thêm rằng việc đó sẽ không ảnh hưởng tới các kế hoạch nhập khẩu, bởi “Chúng tôi sẽ tới Campuchia vào tuần tới”. Tuy nhiên, ông Badrul Hasan, giám đốc công ty thu mua quốc gia, cho biết hợp đồng vẫn có cơ hội được nối lại. “Chúng tôi sẽ chấp thuận nếu giá chào bán lần tới của họ rẻ hơn”.
Cuộc đấu thầu thứ 5 của Công ty thu mua ngũ cốc quốc gia Bangladesh - nhằm nhập khẩu 50.000 tấn gạo đồ - đã được tiến hành vào ngày 27/7, với giá chào rẻ nhất đến từ công ty Olam (419,51 USD/tấn, CIF liner out. Phiên đấu thầu thứ 6 kể từ tháng 5 với khối lượng chào mua tương đương sẽ tiến hành vào ngày 8/8.
Hợp đồng với Ấn Độ cũng không đi đến hồi kết do giá chào bán cao, mặc dù các công ty ta nhân của Bangladesh vẫn nhập khẩu gạo từ nước láng giềng Ấn Độ kể từ tháng 4 sau khi Chính phủ giảm thuế nhập khẩu.
Phái đoàn Thái Lan đã tới Dhaka đầu tuần này để chốt hợp đồng xuất khẩu 200.000 tấn gạo.
“Thái Lan sẽ chào giá mới, hợp đồng không bị hủy hoàn toàn”, Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan cho biết.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này tăng nhẹ lên 395 – 408 USD/tấn, FOB Bangkok.
Các thương gia ở Bangkok cho biết nhu cầu yếu và giao dịch chậm, nhưng giá vẫn tăng nhẹ do đồng baht Thái tăng giá so với USD.
Baht hiện giao dịch ở mức 33,32 THB/USD, cao nhất trong vòng hơn 2 năm.
Tại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, giá cũng tăng sau khi các nhà cung cấp thắng thầu bán 175.000 tấn gạo cho Philippines.
“Giá gạo trong nước tăng nhẹ nhưng giá FOB khoogn thể tăng theo vì vốn đã ở mức cao”, một thương gia ở TP HCM cho biết.
Gạo 5% tấm của Việt Nam giá vững ở 400 – 405 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn.
Giao dịch thưa thớt vì giá XK quá cao, trong bối cảnh thị trường vẫn đang tập trung vào các hợp đồng liên chính phủ.
Các thương gia cho rằng giao dịch sẽ sôi động hơn khi giá giảm hơn nữa, nhưng điều này sẽ không xảy ra sớm.
Trong phiên mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo 25% tấm của Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) ngày 25/7, các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu áp đảo 175.000 tấn gạo.
Đợt đấu thầu 250.000 tấn của NFA lần này là đấu thầu mở quốc tế (G2P) cho tất cả nhà cung cấp các nước tham gia, không phải là hình thức đấu thầu Chính phủ (G2G) theo Bản ghi nhớ thỏa thuận về thương mại gạo giữa Việt Nam và Philippines. Khối lượng gạo này được chia thành các lô gồm 25.000 tấn và 50.000 tấn, với số lượng cụ thể giao hàng đến các cảng khác nhau. Mỗi nhà cung cấp có thể chào thầu bất cứ lô nào, nhưng chỉ được trúng thầu tối đa 50.000 tấn.
Có 20 hồ sơ dự thầu đủ điều kiện, tiêu chí quy định của NFA; trong đó, có 8 doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có 4 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp tổng cộng 175.000 tấn gạo cho Philippines. Cụ thể, 3 doanh nghiệp gồm Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Công ty cổ phần Quốc tế gia và Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long mỗi đơn vị trúng thầu cung cấp 50.000 tấn gạo và Công ty cổ phần Hiệp Lợi trúng lô 25.000 tấn. Còn lại 75.000 tấn gạo trong gói thầu trên do 2 Tập đoàn nước ngoài trúng thầu.
Được biết, do mỗi doanh nghiệp dự thầu cung cấp ở các cảng khác nhau, nên mức giá bỏ thầu cũng khác nhau. Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về mức giá bỏ thầu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là lần đầu Philippines công khai giá trần mua với giá CIF là 450 USD/tấn tương đương với giá FOB tại Tp.Hồ Chí Minh là 380 USD/tấn.
Do đây không phải là đấu thầu G2G nên các doanh nghiệp tham gia không phải thực hiện theo các quy định về thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các văn bản hướng dẫn liên quan. Dự kiến các doanh nghiệp sẽ giao hàng cho Philippines trong tháng 8 và 9/2017.
Nhu cầu gạo Ấn Độ cũng yếu và loại gạo trắng đồ 5% tấm giá giảm 5 USD/tấn xuống 400 – 403 USD/tấn.
“Nhu cầu vẫn yếu, không thấy có sự cải thiện từ khách hàng châu Phi”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang miền Nam Ấn Độ - Andhra Pradesh – cho biết.
Đồng rupee mạnh lên cũng gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu khi muốn giảm giá bán.
Nguồn: VITIC/Reuters