Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá tăng 3 USD/tấn lên 389 – 393 USD/tấn, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ 20/4/2017 vào tuần trước.
“Sức cạnh tranh của gạo Ấn Độ tăng trở lại sau đợt giảm vừa qua. Khách hàng châu Phi bắt đầu hỏi mua”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh cho biết.
Tính đến ngày 20/7/2018, nông dân Ấn Độ đã gieo cấy được 15,65 triệu ha diện tích lúa Hè, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, tại nước láng giềng Bangladesh, nhập khẩu trong tháng 7/2018 đạt 19.600 tấn. Trước đó, chính phủ nước này quyết định áp thuế 28% đối với gạo nhập khẩu để khuyến khích người nông dân trồng lúa.
“Nhập khẩu gạo không mang lại lợi nhuận cho chúng tôi nữa. Vì vậy, chúng tôi không đặt thêm đơn hàng mới nào cả”, một thương lái tại Bangladesh nói.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm xuất khẩu có giã vững ở mức 390 – 395 USD/tấn trong bối cảnh giao dịch chậm.
“Nông dân đang trong thời kỳ thu hoạch vụ lúa Hè Thu nhưng vì gặp mưa lớn nên tốc độ bị chậm lại, giữ giá lúa trong nước ổn định”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP.HCM cho biết.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong vài tuần gần đây bắt đầu "hạ nhiệt". Ở mức giá này, gạo Việt Nam đang dần lấy lại sức cạnh tranh với Thái Lan và Ấn Độ, đặc biệt là khi thị trường Ấn Độ bắt đầu đà tăng giá.
Nông dân tại ĐBSCL, khu vực trồng lúa lớn nhất của Việt Nam, đến nay đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích lúa Hè Thu.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm hiện có giá ở 380 – 385 USD/tấn. Giá xuất khẩu gạo trung bình của Thái Lan hiện vào khoảng 382,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 11/2017.
Một thương nhân ở Bangkok cho hay, Thái Lan đang thu hoạch vụ lúa vụ phụ, với sản lượng khá tốt nhờ nguồn nước tưới tiêu đầy đủ.
Giá gạo đang ở mức thấp vì nguồn cung gia tăng về và đồng baht đang suy yếu. Thị trường giao dịch trầm lắng vì người mua muốn đợi giá giảm sâu hơn. Tuy nhiên, một số thương gia nhận định giá sẽ sớm phục hồi vì hoạt động logistics đang dần cải thiện và nhu cầu bắt đầu tăng.
Ngày 24/7/2018, Nội các Thái Lan đã thông qua khoản vay trị giá 60 tỷ baht (1,8 tỷ USD) nhằm hỗ trợ những người nông dân đồng ý trữ gạo lại trong kho, thay vì bán ra ngoài thị trường và dẫn tới tình trạng dư cung.
Tại Myanmar, theo ông U Khin Maung Lwin, Phó bí thư của Bộ Thương mại (MOC), mặc dù, tính tới thời điểm này trong năm, thương mại bằng đường biển tăng 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng xuất khẩu mặt hàng như gạo, đã giảm 55.000 tấn. Theo MOC, thương mại bằng đường biển, tính tới tuần thứ 3 của tháng 7, đạt 8,4 tỷ USD, vượt năm ngoái 1,2 tỷ USD.
Trong giai đoạn này, giá trị xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 5,1 tỷ USD.
Số liệu tính đến ngày 20/7 cho biết, 109 triệu USD thu về từ xuất khẩu 328.706 tấn gạo. Cùng kỳ năm ngoái, Myanmar kiếm về 106 triệu USD từ xuất khẩu 383.919 tấn gạo.
“Doanh thu từ xuất khẩu gạo tăng lên nhưng khối lượng xuất ra nước ngoài lại giảm 55.000 tấn. Chúng ta cần xuất khẩu nhiều gạo hơn để tăng doanh thu”, ông U Khin Maung Lwin cho biết.
Vì sao khối lượng gạo xuất khẩu lại giảm? Ông U Soe Tun, Phó chủ tịch Liên đoàn gạo Myanmar, nhận định: “giá gạo nội địa đang tăng trong khi giá gạo thế giới giảm xuống. Vì vậy, các nhà xuất khẩu không thu được nhiều lợi nhuận. Vì hoạt động xuất khẩu ngày càng trở nên khó khăn, khối lượng xuất khẩu sẽ giảm đi. Điều này chủ yếu là do thời tiết vì đang là mùa mưa. Gạo xuất khẩu luôn giảm trong mùa mưa”.
“Mặt hàng xuất khẩu chính thông qua đường biển là quần áo may sẵn”, ông nói thêm.
Tính tới tuần thứ ba của tháng 7, xuất khẩu quần áo thu về 1,2 tỷ USD, tăng gần hai lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, 400 tỷ USD giá trị nguyên liệu thô và nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu trong năm nay.
“Nguyên liệu thô rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, trong khi tư liệu sản xuất như máy móc thể hiện sự đầu tư để phát triển các ngành kinh doanh khác của đất nước”, ông U Khin Maung Lwin nói.
Tại Thái Lan, ngày 24/7/2018, chính phủ Thái Lan đã thông qua các biện pháp trợ cấp gao trị giá lên tới 97,95 tỷ baht (tương đương 2,9 tỷ USD) cho năm mùa vụ 2018 – 2019.
Các biện pháp gồm kế hoạch cho vay trị giá 35,05 tỷ baht của ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC) Thái Lan và một khoản tiền thanh toán một lần trị giá 62,89 tỷ baht từ chính phủ chuyển trực tiếp tới người nông dân thông qua BAAC.
Theo ông Nathporn Chatusripitak, chuyên gia tư vấn tại Văn phòng Bộ trưởng của Thủ tướng, các biện pháp này sẽ gồm 3 dự án. Một là dự án cho người nông dân vay vốn, và họ phải đồng ý hoãn việc bán lúa và cho phép thu hoạch, cũng như cải thiện chi phí; hai là cho vay hợp tác nông nghiệp để thu gom gạo và tạo ra giá trị gia tăng; cuối cùng là chương trình hỗ trợ lãi vay 3% đối với thương lái gạo, những người đồng ý lưu trữ gạo.
Những chương tình này sẽ bắt đầu từ tháng 9 năm nay tới tháng 9/2019 trên khắp cả nước, trừ các tỉnh miền nam. Tại miền Nam, các chương trình này sẽ chạy từ tháng 6 – tháng 10/2019.
Dự án đầu tiên sẽ tốn khoảng 22,56 tỷ baht, trong khi dự án thứ hai sẽ cần khoảng 12,5 tỷ baht.
Chương trình hỗ trợ lãi vay 3% đối với thương lái gạo, những người đồng ý trữ gạo trong vòng 60 – 180 ngày, ước tính sẽ tốn khoảng 572 triệu baht.
Ông Nathporn cho biết, theo dự án đầu tiên, chính phủ sẽ cấp 1.500 baht/1.600 m2 cho việc thu hoạch và cải thiện chi phí, giới hạn ở mức 18.000 baht/hộ gia đình và không quá 19.200m2.
Con số này đã tăng từ mức 1.200 baht/1.600 m2, giới hạn ở 15.000 baht/hộ gia đình và không quá 16.000 m2 trong mùa vụ trước. Những hộ nông dân được chọn có quy mô nhỏ và đã đăng ký với Bộ Khuyến nông Thái Lan.
Người nông dân cũng có thể thu về 17.050 baht/tấn từ gạo Thai hom mali, 15.450 baht/tấn đối với gạo nếp, 12.000 baht/tấn từ gạo trắng và 12.900 baht/tấn từ gạo Pathum Thani, nếu họ đồng ý trữ lúa theo kế hoạch đã cam kết.

Nguồn: VITIC tổng hợp