Tại miền Bắc tiếp tục giảm nhẹ 1.000 đồng
Giá lợn hơi tại Lào Cai, Hà Nội, Nam Định đồng loạt giảm 1.000 đ/kg xuống còn 30.000 - 31.000 đ/kg; trong khi đó, tại Thái Bình giá lợn tăng nhẹ 1.000 đ/kg lên 33.000 đồng.
Tại Hà Nam, giá lợn hơi đang dao động ở mức 25.000 - 30.000 đ/kg; Thái Nguyên đạt 28.000 đ/kg. Các tỉnh như Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc xuống còn 30.000 - 31.000 đ/kg; tại Yên Bái, Tuyên Quang, Hải Dương khoảng 32.000 - 34.000 đ/kg. Tính trung bình toàn khu vực, giá lợn hơi hiện xuống còn khoảng 32.000 đ/kg. Đà giảm của giá lợn hơi trên cả nước vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Tại miền Trung, Tây Nguyên lặng sóng
Giá lợn hơi tại khu vực tương đối ổn định, duy nhất tại Quảng Bình giảm 2.000 đ/kg xuống 30.000 đ/kg; tại Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Thuận lợn hơi được thu mua trong khoảng 30.000 - 33.000 đ/kg. Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định 34.000 - 36.000 đ/kg. Một số địa phương có giá cao hơn, 37.000 - 40.000 đ/kg là Khánh Hoà, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Khu vực Tây Nguyên, giá lợn dao động trong khoảng 34.000 - 41.000 đ/kg. Như vậy, giá lợn hơi trung bình toàn khu vực đạt gần 35.000 đ/kg, chênh với miền Bắc là khoảng 3.000 đồng.
Tại miền Nam vẫn lao dốc
Giá lợn hơi tại Long An giảm mạnh 2.000 đ/kg xuống 34.000 đồng; Cần Thơ, Kiên Giang, Tiền Giang đồng loạt giảm 1.000 đồng xuống 33.000 - 36.000 đ/kg. Riêng tại Vĩnh Long, giá tăng nhẹ 1.000 đ/kg lên 34.000 đồng. Tại Đồng Nai, Đồng Tháp 32.000 - 34.000 đ/kg. Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Vũng Tàu 34.000 - 35.000 đ/kg. Các địa phương còn lại, giá lợn hơi giao dịch ở mức 36.000 - 37.000 đ/kg. Chuỗi giảm kéo dài đã khiến giá lợn hơi trung bình tại khu vực giảm 4.000 - 5.000 đồng trong vòng 2 tuần xuống gần 36.000 đ/kg, chênh lệch so với miền Bắc thu hẹp còn khoảng 4.000 đồng.
Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ tiếp tục ở mức cao, với số lợn về trong ngày 16/5/2019 lên tới 5.900 con và tình hình buôn bán của thương lái không tốt.
Mất cân đối trong tỉ trọng chăn nuôi ở Việt Nam
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tại Hội nghị Phát triển Gia súc ăn cỏ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh như hiện nay đòi hỏi ngành chăn nuôi phải tái cơ cấu lại căn bản theo hướng đẩy mạnh phát triển các loài gia súc ăn cỏ để phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và thế giới.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ vẫn còn gặp nhiều thách thức. Hiện nay chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ lệ cao dẫn đến chưa kiểm soát được vấn đề dịch bệnh, an toàn thực phẩm và năng suất, giá thành…
Chăn nuôi gia súc ăn cỏ phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn thô xanh nhưng Việt Nam không có đồng cỏ, bãi chăn thả tự nhiên…Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, kể cả không xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngành chăn nuôi cũng phải tái cơ cấu lại do tỉ trọng lợn đang quá lớn.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết hiện trong cơ cấu tiêu dùng sản phẩm thịt của nước ta, thịt lợn chiếm đa số với gần 71%, thịt gia cầm chiếm 20,4%, thịt gia súc chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ với 8,6% trong tổng sản lượng thịt các loại. Do đó, trong bối cảnh này, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi gia súc ăn cỏ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt theo hướng hạn hán nên tương lai không thể đủ nước để duy trì 3,8 triệu ha đất lúa và 1,5 triệu ha ngô được. Do đó, chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ đang là lợi thế rất lớn để tái cơ cấu ngành chăn nuôi.
Hiện nay, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ đang có nhiều lợi thế để phát triển. Trong đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước về sản phẩm của gia súc ăn cỏ ngày càng tăng cao; hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng cũng tạo ra những cơ hội cho ngành này phát triển. So với thế giới, hiện sản lượng tiêu thụ sữa và thịt đỏ của Việt Nam còn rất thấp khi chỉ bình quân 3 kg thịt bò và 20 lít sữa/người/năm trong khi thế giới là 9kg thị bò và 80 lít sữa/người/năm.
Đặc biệt, so với cây lúa và ngô thì cỏ là loại cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu tốt nhất. Cỏ không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho bò sữa, bò thịt mà còn rất nhiều loài vật nuôi tiềm năng phát triển hàng hóa như hươu, nai, dê, thỏ, cừu...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện so với ngành khác, chăn nuôi vẫn là ngành có kim ngạch xuất khẩu khiêm tốn nhất, trong khi thực tế cho thấy nếu không xuất khẩu được thì không tạo ra được động lực phát triển, không thúc đẩy được công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao giá trị.
Vì vậy, trong đề án tái cơ cấu căn bản toàn diện ngành nông nghiệp trong tương lai. Chính phủ, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu Việt Nam phải là quốc gia mạnh trên thế giới về nông nghiệp và chăn nuôi phải đóng vai trò chính.
Nguồn:VITIC/Vietnambiz