Thực trạng này trở thành điệp khúc tồn tại nhiều năm nay, dù đã được khuyến cáo nhưng xem ra người chăn nuôi vẫn chưa rút được kinh nghiệm.

Thận trọng khi tái đàn ở thời điểm giá cao

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm mạnh, chỉ còn khoảng 42 nghìn đồng/kg. Theo đánh giá của tổ chức này, giá lợn hơi xuống thấp là do lượng lợn tồn ở Trung Quốc còn nhiều nên nước này hạn chế nhập. Đồng Nai cung cấp hơn 50% sản lượng lợn hơi Việt Nam sang thị trường Trung Quốc nên bị ảnh hưởng rất lớn. Giá lợn hơi giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng mạnh khiến nhiều người nuôi chỉ có thể hòa vốn hoặc lỗ với giá bán hiện nay. Nếu giá lợn hơi tiếp tục giảm nữa, người chăn nuôi sẽ gặp khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương bên lề Hội thảo Hành động để người dân được sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) - cho biết: Thực tế, ở thời điểm sau tháng 3, tháng 4 vừa qua, do giá lợn tăng nên chăn nuôi lợn cũng gia tăng đột biến khoảng 20%. Đến nay, khi Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu, giá đã hạ xuống. Người dân Trung Quốc chủ yếu sử dụng lợn lớn khoảng trên 1 tạ, nhiều mỡ. Vì thế, việc Trung Quốc dừng thu mua lợn mỡ sẽ dẫn đến tình trạng, lợn mỡ trên 1 tạ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước. Người chăn nuôi vào đàn trong lúc giá lợn cao, đồng nghĩa với việc giá con giống cao, sẽ phải đối diện với rủi ro càng cao. Dự kiến, thời gian tới, thịt lợn dư nhiều, giá sẽ tiếp tục giảm.

Theo các chuyên gia, đây không phải là lần đầu, tại thời điểm giữa tháng 5/2016, người chăn nuôi lợn cũng một phen lao đao khi phía Trung Quốc hạn chế thu mua lợn.

Tăng cường giống bản địa chất lượng cao

Thực chất hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn thực hiện thị trường tự do tiểu ngạch chứ chưa có chính ngạch nên rủi ro trong giao thương xảy ra với hầu hết các mặt hàng nông sản, không riêng gì xuất khẩu lợn, người chăn nuôi sẽ bị đẩy vào tình trạng bị động khi giá hạ.

Mặc dù vậy, ông Trọng khẳng định, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ yếu, tiềm năng của ngành chăn nuôi. Bởi, Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), song giá thành sản phẩm chăn nuôi còn cao, chưa đáp ứng được các vấn đề về an toàn thực phẩm… nên muốn xuất khẩu sang EU hay các nước khác khá khó khăn.

Theo ông Trọng, để giảm thiểu rủi ro cho người chăn nuôi, cần đẩy mạnh xuất khẩu theo đường chính ngạch. Ông khuyến cáo người chăn nuôi cần thận trọng khi tái đàn ở thời điểm giá cao, ngược lại cũng không nên bỏ đàn tại thời điểm giá xuống. Về lâu dài, để đảm bảo sự phát triển ổn định, nên phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã ban hành 8 VietGAP mới cho trang trại và 2 VietGAP mới cho nông hộ. Những VietGAP này được xây dựng đơn giản hơn nhiều so với trước, giảm khoảng 30 chỉ tiêu nhưng vẫn đảm bảo an toàn và đảm bảo phù hợp với vùng. Bên cạnh đó, tăng cường giống vật nuôi bản địa có chất lượng cao để cạnh tranh được với thị trường quốc tế cũng là một hướng làm khả thi.

Thời điểm trước tháng 5/2016, giá lợn hơi mỡ xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 55 - 57 nghìn đồng/kg hơi. Hiện nay, giá giảm còn 47 - 48 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm giảm xuống chỉ 42 nghìn đồng/kg, giảm khoảng 10 - 15%.

Nguồn: Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương điện tử