Việt Nam là quốc gia có lượng tiêu dùng thuốc lá cao, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 9 trên thế giới về số người hút thuốc lá. Trung bình cứ hai nam giới trưởng thành thì có một người hút thuốc, tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) là 24,3%. Việt Nam đã và đang chịu gánh nặng bệnh tật và kinh tế khổng lồ do sử dụng thuốc lá.
Tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam gây ra những gánh nặng về bệnh tật, tử vong và kinh tế ở cả cấp hộ gia đình và quốc gia. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới thì Việt Nam có trên 15 triệu người hút thuốc với số lượng tiêu thụ hằng năm khoảng hơn 4 tỷ bao thuốc lá 1 năm. Mỗi năm xã hội phải bỏ ra khoảng 31.000 tỷ đồng để mua và khoảng 24.000 tỷ đồng để dành cho các chi phí y tế liên quan đến thuốc lá. Nguyên nhân chính là do mức giá và thuế thuốc lá của Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá và tăng thu ngân sách, tại phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra ngày 9/11/2021, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) kiến nghị cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối cùng với thuế tương đối đang áp dụng để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp với mức đủ lớn.
Cụ thể, nếu áp dụng mức thuế tuyệt đối 5.000 đồng một bao, bên cạnh thuế suất tỷ lệ là 75% đang áp dụng thì sẽ giúp giảm đáng kể số lượng người hút thuốc. Đồng thời, thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 14.000 tỷ đồng một năm.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Y tế tăng thuế thuốc lá đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt để ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc. Không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe, tăng thuế thuốc lá còn giúp tăng nguồn thu từ thuế thuốc lá cho ngân sách. Vào năm 2008, sau khi áp dụng mức thuế mới 65% (tăng 10% so với năm 2007), doanh thu từ thuế thuốc lá đã tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2007 mặc dù tiêu dùng trong năm 2008 giảm khoảng 8%.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới cũng khẳng định tăng thuế thuốc lá lên 10% sẽ giảm tiêu dùng thuốc lá ở mức 5% ở các nước đang phát triển và giảm tiêu thụ thuốc lá tới 10% ở trẻ em và người nghèo.
Hội thảo quốc tế về chính sách thuế thuốc lá tại Việt Nam năm 2022 được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia và diễn giả cùng chung quan điểm về việc tăng thuế đối với thuốc lá là chính sách quan trọng và hiệu quả để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá tại Việt Nam và tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Năm 2019, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cũng đã nêu rõ quan điểm cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Theo cơ quan này, tăng thuế thuốc lá là giải pháp quan trọng hàng đầu để giúp các quốc gia giảm được tỉ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trong thanh thiếu niên.
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đã thống nhất quan điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá nhưng đề nghị thời điểm tăng, phương pháp tăng cần hợp lý, tính toán thận trọng, phù hợp do hiện nay doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19.
Việc tăng thuế thuốc lá sẽ có tác động làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, người tiêu dùng phản ứng với sự tăng giá bằng cách giảm tiêu dùng. Đối với một bộ phận dân cư giá thuốc cao hơn sẽ khiến họ từ bỏ hút thuốc.
Mức độ phản ứng khác nhau của người tiêu dùng với sự gia tăng của giá thuốc lá dẫn đến những tác động khác nhau của việc tăng thuế: nhóm người có thu nhập thấp sẽ có “phản ứng” mạnh hơn với sự thay đổi giá thuốc, thanh thiếu niên “phản ứng” mạnh hơn so với người lớn khi giá thuốc lá tăng. Do đó, tăng thuế làm giảm tiêu dùng thuốc lá, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp.

Nguồn: VITIC tổng hợp