Đà giảm của lúa mì có khả năng vẫn sẽ được củng cố trong ngắn hạn
Giá lúa mì đang hồi phục trở lại khi mở cửa sáng nay sau phiên giảm kịch sàn ngày hôm qua. Mặc dù giới hạn giá của mặt hàng này đã thu hẹp hơn nhưng thị trường cũng đã chứng kiến những biến động đột ngột và mạnh mẽ này vào giai đoạn đầu tháng 3. Đây là giai đoạn chiến tranh vừa bắt đầu và các vấn đề về nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn kéo theo sau đó. Ngược lại, những dấu hiệu cho thấy triển vọng xuất khẩu đang dần được cải thiện khi Nga thiết lập hành lang nhân đạo lại là yếu tố đang tạo áp lực rất lớn đến giá trong ngắn hạn. Như chúng tôi đã phân tích trong bản tin đầu tuần, không chỉ ở Biển Đen, nguồn cung ở các nước xuất khẩu lớn khác như Ấn Độ cũng đang dần nới lỏng, và giảm bớt áp lực cho các nước mua hàng.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư hoặc các công ty nhập khẩu lúa mì cũng nên cần chú ý tới một số yếu tố “bullish” tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tới giá trong trung hạn. Một điểm khác giữa lúa mì và 2 mặt hàng nông sản chính còn lại là ngô và đậu tương là về sự phân chia nguồn cung. Nếu như ngô và đậu tương sẽ phụ thuộc chủ yếu vào 3 quốc gia châu Mỹ thì cơ cấu xuất khẩu lúa mì lại có sự phân mảnh hơn. Chính vì thế nên việc xác định các yếu tố ảnh hưởng tới giá lúa mì sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố hơn.
Hiện tại, 2 quốc gia sản xuất chính trên thế giới đang ở trong giai đoạn gieo trồng là Mỹ và Úc. Đối với Mỹ, hoạt động gieo trồng lúa mì vụ xuân vẫn đang bị chậm trễ, trong khi chất lượng vụ đông cũng đang ở mức thấp hơn nhiều so với các niên vụ trước đó do ảnh hưởng của hạn hán ở đồng bằng phía nam. Còn đối với lúa mì Úc, diện tích năm nay dược dự báo sẽ tăng nhẹ nhưng ước tính sản lượng vẫn thấp hơn niên vụ trước 10% do gieo trồng muộn, điều kiện thời tiết quá ẩm ướt và chi phí các loại nguyên liệu đầu vào chính (phân bón, hóa chất và dầu diesel) tăng mạnh.
Thị trường đồng cần thời gian để phục hồi khi sức sản xuất tại châu Á đồng loạt suy giảm
Thành phố Thượng Hải chính thức mở cửa từ ngày hôm nay và các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc sẽ dần được khôi phục. Tuy nhiên, là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sự suy yếu trong hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã gây ra hiệu ứng domino cho các quốc gia khác trên thế giới nói chung và tại châu Á nói riêng. Do đó, bước sang tháng 6, thị trường nguyên vật liệu đầu vào như đồng nhiều khả năng sẽ chưa thể hồi phục mạnh mẽ khi các quốc gia khác cũng cần thời gian để đạt được hiệu quả sản xuất như trước đây.
Chỉ số PMI Caixin của Trung Quốc trong tháng 5 đạt 48.1 điểm, cao hơn con số 46.0 điểm vào tháng trước nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50, biểu thị sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản cũng đã kìm hãm hoạt động xây dựng, với số tiền xây mới giảm 26.3% so với cùng kỳ năm ngoái trong 4 tháng đầu năm. Điều này đã làm hạn chế nhu cầu về kim loại trong các thiết bị, hệ thống ống nước và hệ thống dây điện. Theo đánh giá của các chuyên gia, lượng đồng được sử dụng trong các thiết bị này dự kiến sẽ giảm khoảng 2% vào năm 2022 so với mức 1.79 triệu tấn vào năm ngoái.
Hoạt động sản xuất của Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ yếu nhất trong ba tháng vào tháng 5 do chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá nguyên liệu thô tăng cao. Các đơn đặt hàng thứ cấp tăng với tốc độ chậm nhất trong vòng 8 tháng. PMI của Đài Loan cũng giảm từ mức 51.7 xuống 50.0 vào tháng 5, tương tự tại khu vực Đông Nam Á, các nước Philippines và Malaysia cũng cho thấy sự suy yếu hiệu quả hoạt động tại các nhà máy.
Có thể thấy rằng, gián đoạn trong hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã kéo các nền kinh tế khác phát triển chậm lại và do vậy, thị trường đồng được đánh giá sẽ có tốc độ phục hồi tương đối chậm ít nhất là vào nửa đầu tháng 6.
Về phía nguồn cung, trong bối cảnh căng thẳng tại mỏ đồng Las Bambas, Peru, một đám cháy bùng phát tại trại khai thác gần hầm Chalcobamba, được dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm. Nguồn cung tại mỏ đồng chiếm 2% sản lượng thế giới vẫn chưa thể hoạt động trở lại trong tương lai gần.
Về mặt kỹ thuật, trên khung H4, giá đồng đang có xu hướng tăng sau khi chạm mức hỗ trợ của kênh xu hướng, nhiều khả năng giá sẽ bật tăng trở lại. Các nhà đầu tư có thể mở vị thế mua với kỳ vọng chốt lời ở mức đỉnh trước đó là 4.34 USD/pound.
Dầu thô khả năng cao sẽ còn duy trì đà tăng sau các tín hiệu tích cực từ Trung Quốc
Giá dầu giảm điều chỉnh trong phiên giao dịch hôm qua, sau các thông tin chi tiết về lệnh cấm vận dầu Nga của EU. Cụ thể, dầu WTI giảm 0.35% xuống 114.67 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 1.7% xuống 115.6 USD/thùng.
Sau nhịp điều chỉnh phiên tối qua, giá đã nhanh chóng quay trở lại đà tăng trong phiên sáng nay. Thượng Hải thực sự dỡ bỏ các lệnh cấm phong tỏa sau 2 tháng tiến hành kiểm soát dịch Covid-19 đã trở thành thông tin tích cực khi thị trường bước vào tháng 6. Mặc dù chưa được hoạt động hết công suất, tuy nhiên các nhà hàng, cửa hiệu đã được mở cửa trở lại. Bất chấp các biện pháp phỏng tỏa tại gần 50 thành phố lớn, trong tháng 4 nhập khẩu dầu của nước này vẫn đạt 10.5 triệu thùng/ngày, so với con số 9.82 triệu thùng/ngày cùng kỳ năm trước và 10.06 triệu thùng/ngày trong tháng 3. Các số liệu PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 cũng đạt 49.6, cao hơn kỳ vọng 48 của thị trường. Cùng với đó, PMI phi sản xuất, bao gồm cả chỉ số về xây dựng, tăng mạnh từ 41.9 lên 47.8, theo các cam kết hỗ trợ kinh tế của nước này. Như vậy, với kỳ vọng Thượng Hải trở thành hình mẫu cho chính sách chống dịch sắp tới của Trung Quốc, tức mở cửa dần dần sau thời gian dài chặn dịch, cũng như duy trì chính sách xét nghiệm trong khi đảm bảo các hoạt động sinh hoạt phần lớn quay lại bình thường, giới phân tích đang kỳ vọng sẽ có sự gia tăng mạnh mẽ tiêu thụ dầu trong lĩnh vực sản xuất, giao thông tại Trung Quốc. Đặc biệt Trung Quốc vẫn đang hưởng lợi lớn từ việc thu mua dầu giá rẻ từ Iran và Nga, hưởng lợi lớn về chi phí.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu đang trong xu hướng tăng trong trung và dài hạn, các chỉ số RSI và MACD cũng hướng lên rất tích cực. Khả năng cao giá sẽ duy trì đà tăng, tuy vậy trong phiên sẽ có các biến động. Nên canh mua dầu WTI tại vùng 114-115 USD/thùng và kỳ vọng chốt lời 2 USD/thùng.
Đà tăng của nhóm cà phê phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô thường không bền
Diễn biến của giá Arabica trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Lễ đã gây ra một sự hoang mang, cho không chỉ giới đầu tư mà còn cho cả những nhà phân tích. Giá cà phê đã suy yếu mạnh trong đầu phiên khi gặp phải lực bán kỹ thuật ở vùng 230 cents, trong bối cảnh các tin tức cơ bản vẫn nghiêng về xu hướng “bearish”. Tuy nhiên, khi đồng Real tăng trở lại nhờ các số liệu kinh tế tích cực của Brazil, lực mua đã hoàn toàn áp đảo trong phiên tối.
Đà tăng của giá hàng hóa nếu chỉ phụ thuộc vào các yếu tố liên thị trường mà thiếu đi hỗ trợ từ các thông tin cơ bản nội tại của từng mặt hàng, thì sẽ rất khó duy trì. Đồng Dollar cũng đang bắt đầu phục hồi như chúng tôi đã dự đoán từ phiên hôm qua, do chỉ số lạm phát của EU cao hơn dự đoán. Hiện tại, giá Arabica đang ở vùng giá cao nhất kể từ giữa tháng 04 và có khả năng test lại đỉnh gần nhất ở quanh mức 237 cents. Tuy nhiên sẽ khó có thể vượt lên trên mốc này.
Về mặt kỹ thuật, giá đang test lại đường Senkou Span B của chỉ báo Ichimoku. Giá cũng đang vượt ra ngoài cạnh trên của dải Bollinger và có thể lực mua sẽ yếu dần. Giới đầu tư hạn chế mua đuổi và nên đứng ngoài chờ nhịp điều chỉnh.
Đối với Robusta, giá vẫn duy trì trạng thái giằng co quanh vùng hỗ trợ - kháng cự quan trọng 2100 USD. Đường giá nằm dưới vùng mây kumo giảm, và đi ngang ở nửa trên của dải Bollinger. Nếu chỉ số Dollar Index tiếp tục tăng trong tối nay, giá Robusta có thể một lần nữa bị đẩy về dưới mốc 2100. Việc mở vị thế bán mới khi giá giảm về dưới hỗ trợ vẫn đang được ưu tiên hơn ở thời điểm này.