Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 293.000 tấn, trị giá 674 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 35,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, tháng 2/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.337 USD/tấn, tăng 3,0% so với tháng 1/2022 và tăng 32,6% so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.299 USD/tấn, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Đầu tư theo chiều sâu giúp xuất khẩu cà phê tiếp tục bứt phá
Xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng
Sở dĩ cà phê Việt Nam ngày càng có giá ấn tượng được và chinh phục được thị trường quốc tế, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group lý giải: Các doanh nghiệp trong ngành đã chấp nhận cải cách, thay đổi, số hóa, sản xuất đa dạng các mặt hàng cũng như sản xuất nhiều sản phẩm tinh hơn, có chiều sâu hơn so với xuất thô như trước đây. Chẳng hạn với Phúc Sinh, công ty đã đa dạng hóa sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ từ vùng trồng cho tới chế biến thành phẩm để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, công ty còn tăng cường việc bán hàng trực tiếp qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Lazada… Nhờ đó dù trong điều kiện dịch bệnh khó khăn thì doanh số bán ra của doanh nghiệp vẫn luôn tăng đều.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT của Intimex, việc xây dựng được hệ thống bạn hàng cũng rất quan trọng. Khi doanh nghiệp có bạn hàng ổn định sẽ dễ dàng lên kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa và ứng phó tốt hơn trước các biến động của thị trường.
Nhận định về triển vọng của thị trường xuất khẩu cà phê trong năm nay, các nhà phân tích dự báo sẽ tiếp tục khả quan nhờ nguồn cung dồi dào và được “hậu thuẫn” bởi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. “Trong năm 2022 và cả năm 2023 xu hướng giá cà phê vẫn rất tốt. Đáng chú ý, xu hướng thế giới không uống cà phê đậu bắp, đậu nành nữa mà phải có cà phê chất lượng và doanh nghiệp đang phải đa dang hóa, số hóa nguồn cung”- ông Phan Minh Thông nói.
Mặc dù dự báo khả quan song các doanh nghiệp cho rằng, để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành cà phê cần chú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực sản xuất. Và để làm được thì bắt buộc doanh nghiệp cần số hóa sản xuất, số hóa khâu bán hàng để tiếp cận tệp khách hàng tốt hơn. Liên quan vấn đề này, ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, doanh nghiệp này đã thực hiện số hóa vùng nguyên liệu từ cách đây 10 năm và tới nay việc số hóa đang phát huy tác dụng. Theo ông Hiệp, khi được số hóa diện tích về sau sẽ nhanh hơn. Ví dụ 10 năm Vĩnh Hiệp làm được 30-40 ha vùng nguyên liệu nhưng càng lâu càng về sau sẽ tăng nhanh hơn, giúp doanh nghiệp chủ động tốt hơn trước các biến động của thị trường.
Tương tự với Phúc Sinh, doanh nghiệp này đã mở rộng vùng trồng và liên kết với hơn 10.000 hộ nông dân trên khắp cả nước. Cùng với đó là đầu tư nhà máy chế biến sâu tại các địa phương như Lâm Đồng, Sơn La… để đáp ứng xu hướng của người tiêu dùng.
Dù các doanh nghiệp đang chú trọng nhiều hơn cho đầu tư theo chiều sâu song ông Thái Như Hiệp cho biết, con đường để số hóa ngành cà phê vẫn còn rất gian nan, bởi đây phải là quá trình tích hợp sự chuyển động đồng bộ từ rất nhiều khâu, từ sản xuất - chế biến rồi mới đến tiêu thụ. Chính vi vậy cần sự chung tay rất là lớn từ bộ, người làm công nghệ và người vận hành hỗ trợ đắc lực sát nhằm giúp ngành số hóa hiệu quả hơn.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, cà phê Robusta của Việt Nam được xuất khẩu tới trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang các thị trường thành viên EU (Đức, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan), Anh, Nga, Hoa Kỳ, Phi-líp-pin. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường Đức, Bỉ và Anh tăng trưởng ở mức cao. Về giá, tháng 2/2022, giá cà phê Robusta giữ ở mức cao. So với cuối tháng 1/2022, giá cà phê trong nước vẫn tăng mạnh.
Mai Ca

Nguồn: congthuong.vn