Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào 5 nước Liên minh Kinh tế Á – Âu (Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tuy nhiên vẫn có một số hạn chế nhất định, theo Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu được ký kết hôm 29-5.

Theo thông tin về các cam kết trong hiệp định trên được Bộ Công Thương công bố hôm 30-6, mặt hàng may mặc, giày dép có mũ bằng cao su và đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang 5 nước này sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Quy tắc xuất xứ để hàng hóa này được hưởng ưu đãi được xem là khá dễ dàng. Chẳng hạn, hàng may mặc được áp dụng quy tắc chuyển đổi mã hàng hóa ở HS 2 chữ số (thay đổi trong chương) (viết tắt là CC).

Theo đó, để được hưởng ưu đãi, chỉ cần doanh nghiệp may mặc mua hoặc nhập khẩu nguyên liệu sau đó cắt may tại Việt Nam, tức hàng hóa được thay đổi mã số hàng hóa, từ chương về nguyên liệu sang chương thành phẩm hàng may mặc (quần áo). Quy tắc xuất xứ áp dụng cho mặt hàng giày mũ bằng cao su và đồ gỗ nội thất là chuyển đổi mã hàng ở cấp độ HS 4 số (thay đổi trong nhóm).

Tuy nhiên, do lo ngại nước thứ ba sẽ hưởng ưu đãi này và hàng hóa xuất khẩu sẽ ồ ạt đổ vào thị trường, nên 5 nước Liên minh Á – Âu áp dụng biện pháp phòng vệ theo ngưỡng đối với các mặt hàng trên, tức hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào 5 nước này vẫn chịu sự hạn chế về số lượng (tính theo kilogram).

Chẳng hạn như, kể từ khi hiệp định có hiệu lực, số lượng hàng may mặc xuất khẩu từ Việt Nam vào 5 nước này để được hưởng thuế 0% thì không được vượt quá ngưỡng quy định, tức chỉ được gấp đôi mức xuất khẩu trung bình của Việt Nam vào 5 thị trường này trong giai đoạn 2011-2013. Ngưỡng áp dụng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 5% qua mỗi năm, kể từ năm 2015.

Nếu số lượng nhập khẩu trong bất kỳ năm nào vượt quá mức ngưỡng tương ứng của năm đó được quy định trong Phụ lục 2 của Hiệp định, bên nước nhập khẩu sẽ thông báo tình trạng vượt ngưỡng và tiến hành kiểm tra lại thị trường. Sau đó, các nước này sẽ áp dụng biện pháp phòng vệ theo ngưỡng, tức áp mức thuế suất tối huệ quốc (MFN) thay vì 0%.

Biện pháp phòng vệ theo ngưỡng sẽ được áp dụng trong một khoảng thời gian không quá sáu tháng. Sau đó, các nước này sẽ xem xét lại và đưa thuế suất các mặt hàng này về lại mức thuế 0%. Theo cam kết, cứ mỗi 3 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, các nước thành viên trong hiệp định sẽ rà soát lại, và nếu cần thiết sẽ cùng quyết định sửa đổi điều khoản này.

Ngoài ra, các mặt hàng thủy sản đã được chế biến hoặc bảo quản của Việt Nam cũng được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi vào 5 nước này. Tuy nhiên, một số mặt hàng như tôm, bạch tuộc, và cá ngừ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ CC, hoặc VAC 40% (tức hàm lượng giá trị gia tăng không dưới 40% giá FOB và quá trình sản xuất hàng hóa xuối cùng phải được thực hiện tại một trong các nước thành viên của hiệp định).

Ngoài ra, các thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu sẽ dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch tổng là 10.000 tấn gạo có xuất xứ tại Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Loại gạo được hưởng ưu đãi là gạo hạt dài luộc sơ/loại khác với tỷ lệ độ dài/rộng bằng hoặc trên 3.

Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng bằng văn bản về việc các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong nước của mình. Sự trao đổi các thông báo này sẽ được thực hiện giữa Uỷ ban Kinh tế Á-Âu và Việt Nam.

Tuy nhiên, do Kyrgyzstan vẫn đang trong quá trình hoàn thành thủ tục để được phê chuẩn trở thành thành viên của Liên minh Kinh tế Á – Âu, nên thời hạn bắt đầu có hiệu lực của hiệp định chỉ phụ thuộc vào việc Việt Nam và 4 nước còn lại hoàn tất thủ tục cần thiết.

Nguồn: TBKTSG