Từ 12 nền kinh tế sáng lập, tới nay, APEC đã quy tụ 21 nền kinh tế thành viên, chiếm hơn 39% dân số thế giới, gần 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 50% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.
Australia là một trong những nền kinh tế có đóng góp tích cực nhất cho APEC. Sự ra đời của APEC trên thực tế là đề xuất của Australia khi tháng 1/1989, Thủ tướng Bob Hawke đã nêu ý tưởng thành lập một diễn đàn tư vấn kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương với mục đích phối hợp hoạt động của các chính phủ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế ở khu vực và hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương, dẫn tới cuộc họp đầu tiên của APEC tại Canberra vào tháng 11/1989.
Tuy nhiên, thời điểm đó, APEC chỉ được tổ chức ở cấp bộ trưởng. Sau cuộc họp đầu tiên này, các nền kinh tế tham dự thống nhất tổ chức họp thường niên tại Singapore và Hàn Quốc, trước khi Mỹ khởi xướng cuộc họp cấp cao 4 năm sau đó.
Từ 12 nền kinh tế sáng lập, tới nay, APEC đã quy tụ 21 nền kinh tế thành viên, chiếm hơn 39% dân số thế giới, gần 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 50% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.
Ngoài ra, Australia cũng là quốc gia tích cực theo đuổi các hiệp định thương mại tự do trong khu vực, bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi đàm phán TPP, Australia tiếp tục có những động thái mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hiệp định này.
Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - luôn là trọng tâm của mọi hội nghị cấp cao APEC. Năm nay, thế giới chắc chắn còn quan tâm tới sự xuất hiện của Mỹ tại APEC nhiều hơn, trong bối cảnh vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ, ông Donald Trump chủ trương duy trì bảo hộ thương mại với khẩu hiệu “Mang việc làm về cho người Mỹ.”
Tuy nhiên, giới chức Mỹ khẳng định chuyến công du đầu tiên kể từ khi nhậm chức của ông Trump tới châu Á lần này cho thấy APEC vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với chính sách ngoại giao của Mỹ tại khu vực, đặc biệt là sau khi Washington rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận vốn được nhiều người cho là “xương sống” đảm bảo cho sự hiện diện của Mỹ ở châu Á trong lĩnh vực thương mại.
Trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế còn chậm và không đồng đều, việc Mỹ mở rộng quan hệ đối tác với châu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc Tổng thống Trump thể hiện tham gia tích cực vào APEC cũng như ASEAN qua chuyến công du lần này sẽ là cơ hội đem lại những nguồn ủng hộ lớn cho việc thúc đẩy thương mại và kinh tế của cả Mỹ và khu vực.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc khẳng định “sẽ không đóng cửa với thế giới bên ngoài, thậm chí còn mở cửa rộng hơn nữa.”
Nằm ở khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới (khoảng 1,3 tỷ người), với mức tăng trưởng trung bình đạt 10% trong suốt 30 năm qua. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh ủng hộ tự do thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và phản đối mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ. Theo ông, toàn cầu hóa là xu thế của thời đại, vì nó đáp ứng được nhu cầu tiến lên của kinh tế thế giới và cũng phục vụ cho lợi ích của tất cả các bên.
Hiện nay, Trung Quốc không chỉ là nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới, mà còn là nền kinh tế mới nổi có mức tiêu dùng tăng nhanh nhất. Các sản phẩm của Trung Quốc đóng góp gần 1/4 giá trị sản xuất công nghiệp toàn cầu, khi là nước sản xuất xe hơi đứng thứ 3 trên thế giới, khoảng 90% máy tính cá nhân, 70% điện thoại di động và 80% điều hòa tiêu thụ trên thế giới được sản xuất ở các nhà máy của Trung Quốc. Trung Quốc còn là nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất trên thế giới, đóng góp 1/5 sản lượng ngô, 1/4 sản lượng khoai và 1/2 sản lượng trứng toàn thế giới.
Trong số những “ngọn cờ đầu” của APEC không thể không kể tới Nhật Bản. Dù phải tới năm 2006, APEC mới chính thức thảo luận về khái niệm Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương, nhưng từ năm 1965, hai nhà kinh tế học Nhật Bản là Kojima Kiyoshi và Kurimoto Hiroshi đã nêu ý tưởng thành lập một “Khu vực thương mại tự do ở Thái Bình Dương.” Đây được xem là tiền đề dẫn tới việc hình thành Hội nghị thương mại và phát triển Thái Bình Dương và sau đó là Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương năm 1980 trước khi APEC ra đời năm 1989.
Hiện Nhật Bản là quốc gia hàng đầu thế giới về khoa học và công nghệ; là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, với GDP đạt gần 5.000 tỷ USD. Giới chức Nhật Bản khẳng định kể từ khi được thành lập vào năm 1989, APEC đã gặt hái được các thành quả lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang thay đổi với sự xuất hiện các ngành dịch vụ, thương mại kỹ thuật số, trong khi chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng trên thế giới, APEC đóng vai trò ngày một quan trọng hơn trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư trên thế giới. Với tư cách một nền kinh tế thành viên, Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho các cuộc thảo luận tại APEC 2017, tiếp tục ủng hộ một cách toàn diện để hội nghị tại Việt Nam thành công tốt đẹp.
Là 1 trong 3 thành viên trẻ nhất của APEC, Nga mới gia nhập APEC năm 1998 cùng Việt Nam và Peru, song Tổng thống Nga Vladimir Putin là vị lãnh đạo tham dự nhiều nhất các kỳ hội nghị cấp cao, với 11 lần.
Là quốc gia rộng lớn nhất, đồng thời là một trong 10 nền kinh tế lớn trên thế giới, Nga chiếm tới 13% tổng trữ lượng dầu mỏ và 34% trữ lượng khí đốt thế giới. Xuất khẩu dầu mỏ (đứng thứ 2 thế giới) và khí đốt (đứng đầu thế giới) đóng góp tới 50% ngân sách của Nga.
Kể từ năm 2014, do các lệnh trừng phạt về kinh tế từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cũng như việc giá dầu thế giới giảm mạnh, nền kinh tế Nga đã có nguy cơ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, dưới sự chèo lái vững vàng của nhà lãnh đạo Vladimir Putin, Xứ sở Bạch Dương đã đạt được nhiều thành công trong việc duy trì ổn định kinh tế-xã hội, cũng như tiếp tục khẳng định vị thế của Nga trên trường quốc tế.
Giới chức Nga cho biết hoàn toàn ủng hộ các nội dung chủ đề ưu tiên mà Việt Nam, với tư cách là nền kinh tế Chủ tịch APEC 2017, đưa ra tại hội nghị năm nay, trong bối cảnh Nga cần đa dạng hóa hơn nữa các thỏa thuận thương mại, tìm kiếm và chiếm lĩnh thị trường.
Cũng từng 2 lần đăng cai APEC (năm 1991 và 2005), Hàn Quốc đang tiến hành các biện pháp nhằm giảm sự thống trị của các tập đoàn gia đình, thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Từ một quốc gia Đông Bắc Á nghèo đói ngập chìm trong chiến tranh, Hàn Quốc đã vươn lên mạnh mẽ, phát triển vượt bậc về mọi mặt và làm nên “kỳ tích sông Hàn.”
Hiện Hàn Quốc được biết đến là một trong “bốn con hổ của châu Á,” đứng thứ 3 ở khu vực châu Á và đứng thứ 10 trên toàn thế giới. Để có được thành tựu này, Hàn Quốc đã áp dụng Chiến lược phát triển kinh tế định hướng đối ngoại, sử dụng xuất khẩu làm động lực tăng trưởng và đóng góp nhiều cho sự chuyển đổi hoàn toàn nền kinh tế của quốc gia này. Duy trì sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc là những ngành công nghiệp then chốt và đã được thế giới công nhận như: đóng tàu, bán dẫn, hàng điện tử, sản xuất ôtô, may mặc, sắt thép và các sản phẩm hóa dầu…
Chỉ là một quốc gia nhỏ bé với diện tích 719,1 km2, tuy nhiên Singapore được đánh giá là nền kinh tế thị trường tự do phát triển cao và mở nhất thế giới. Đảo quốc Sư tử đứng thứ 7 trong danh sách những nước ít tham nhũng, tạo thuận lợi cho kinh doanh nhất thế giới. Đây cũng được chọn là nơi đặt trụ sở của APEC.
Ngoài những thành tựu nổi bật như ổn định nền kinh tế Singapore vượt qua các cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hay định hướng phong trào khởi nghiệp, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long còn được nhiều người biết đến với tư tưởng ủng hộ toàn cầu hóa và tự do thương mại. Ông coi đây là cơ hội để tăng trưởng toàn diện, tạo thêm việc làm cũng như tăng cao thu nhập cho người dân. Ông cho rằng quá trình toàn cầu hóa có thể gia tăng tác dụng nhiều hơn nếu các quốc gia hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại điện tử và dịch vụ.
Việt Nam chính thức gia nhập APEC vào năm 1998 và đã trở thành một thành viên tích cực với nhiều đóng góp thiết thực cho APEC.
Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tích vượt bậc sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, trở thành một trong những nước có mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người nhanh nhất thế giới, trung bình 6.4%/năm trong những năm 2000.
Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, mặc dù môi trường toàn cầu còn nhiều bất ổn, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì sức bật tốt.
Việt Nam chính thức gia nhập APEC vào năm 1998 và đã trở thành một thành viên tích cực với nhiều đóng góp thiết thực cho APEC
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự gắn bó giữa Việt Nam với APEC, trong suốt gần 20 năm qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các quan tâm chung của Diễn đàn. Bước vào giai đoạn mới, với việc lần thứ hai đăng cai tổ chức Năm APEC, Việt Nam mong muốn tiếp tục khẳng định chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trong bài viết “APEC Việt Nam 2017 – Vun đắp tương lai chung trong một thế giới đang chuyển đổi,” Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã nhấn mạnh “Trong một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động và một châu Á–Thái Bình Dương phát triển năng động, APEC đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi cũng như phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới. Trên cương vị chủ nhà APEC 2017, Việt Nam có trọng trách cùng các thành viên biến các quyết tâm của các nhà lãnh đạo APEC thành những kết quả cụ thể, đưa APEC đến gần hơn với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, qua đó hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược về một cộng đồng châu Á–Thái Bình Dương phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21”./.
Nguồn:Vietnamplus.vn