1. Đặc điểm thị trường nội thất Nhật Bản:

Nhật Bản là thị trường tiêu thụ hàng nội thất (gồm: giường, tủ và bàn ghế bằng gỗ và kim loại, đệm và đèn chiếu sáng…) lớn trên thế giới. Ước tính tiêu dùng hàng nội thất tại Nhật Bản khoảng 100 USD/hộ/năm. Hiện Nhật Bản có khoảng 50 triệu hộ (trung bình mỗi hộ từ 2-4 người gồm: 2 vợ chồng, 2 vợ chồng + 1 con và 2 vợ chồng + 2 con).

Do tình hình kinh tế Nhật Bản suy thoái kéo dài trong thập niên 90 của thế kỷ 20, mức sống của người dân đã bị ảnh hưởng rất lớn. Điều này khiến người dân Nhật Bản thay đổi thói quen tiêu dùng, cụ thể là hạn chế chi tiêu những mặt hàng đắt tiền và chú trọng hơn đến những mặt hàng rẻ hơn với chất lượng bảo đảm và mẫu mã phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Ngoài ra, do chi phí sản xuất tại Nhật Bản ngày càng cao so với các nước khác trong khu vực, các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài với giá rẻ hơn hàng sản xuất trong nước nhập ngày càng nhiều vào thị trường Nhật Bản. Thống kê của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho thấy năm 1990, tiêu dùng các mặt hàng nội thất sản xuất tại Nhật Bản khoảng 28 tỷ USD, nhưng đến năm 2006, con số này chỉ còn khoảng 10 tỷ USD.

Tại Nhật Bản, những người có độ tuổi từ 15-64 (chiếm 65% dân số Nhật Bản) chi tiêu hàng nội thất nhiều nhất. Thị hiếu tiêu dùng hàng nội thất của Nhật Bản cũng được phân chia rất rõ ràng. Đối với những người có độ tuổi từ 50-64 (thế hệ bùng nổ dân số lần thứ nhất), thường coi trọng giá, chất lượng sản phẩm và chất liệu hàng nội thất. Trong khi những người có độ tuổi từ 25-39 (thế hệ bùng nổ dân số lần thứ hai) rất nhạy cảm, thường coi trọng màu sắc sản phẩm và mẫu mã hiện đại mà không quan tâm nhiều đến giá cả. Ngoài ra, thị hiếu mua sắm hàng nội thất cũng thay đổi khác nhau do xã hội Nhật Bản ngày càng hiện đại hóa với lối sống cá nhân và đa dạng hóa.

Xu hướng nhập khẩu hàng nội thất của Nhật Bản ngày càng gia tăng. Năm 1990, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 2,3 tỷ USD hàng nội thất thì đến năm 2007, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 6,7 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 1990.

2. Xu hướng nhập khẩu hàng nội thất của Nhật Bản:

Việt Nam hiện đứng thứ tư trong những nước xuất khẩu hàng nội thất vào thị trường Nhật Bản. Những nước xuất khẩu hàng nội thất sang Nhật Bản gồm: Trung Quốc (chiếm 44,4%), Thái Lan (chiếm 8,6%), Đài Loan (7,5%), Việt Nam (5,7%), Inđônêxia (5,2%), Malaysia (4,7%), Ý (4,5%), Mỹ (3,4%), Đức (3,3%), Áo (2%)…

Riêng về mặt hàng đồ gỗ, hàng năm Nhật Bản nhập khẩu khoảng 2,6 tỷ USD từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam…. Nhật Bản đang có xu hướng nhập khẩu các mặt hàng đồ gỗ có công nghệ sản xuất tốt và chi phí nhân công rẻ, trong đó có Việt Nam. Theo Hải quan Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của ta sang Nhật Bản năm 2004 chỉ đạt khoảng 160 triệu USD, thì đến năm 2007 kim ngạch xuất khẩu của ta đạt 240 triệu USD, tăng 50%. Các mặt hàng gỗ xuất khẩu của ta sang Nhật Bản rất đa dạng gồm: gỗ nhiên liệu dạng khúc (mã HS 4401), gỗ cây (mã HS 4403), gỗ đã cưa hoặc xẻ theo chiều dọc (mã HS 4407), tấm gỗ lạng làm lớp mặt (mã HS 4408), gỗ ván tráng trí làm sàn (mã HS 4409), ván sợi bằng gỗ (mã HS 4412), gỗ dán (4412), khung tranh, ảnh bằng gỗ (4414), hòm, hộp thùng bằng gỗ (4415), tượng gỗ và đồ trang trí bằng gỗ (mã HS 4420), ghế ngồi (mã HS 9401), đồ nội thất khác và các bộ phận của chúng (mã HS 9403). Trong số các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang Nhật Bản, mặt hàng đồ gỗ nội thất (mã HS 9403) chiếm tỷ trọng nhiều nhất, khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang Nhật Bản.

(TTNN)

Nguồn: Vinanet