Nhiều dư địa để ghi thêm kỷ lục
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả tháng 6/2024 ước đạt gần 780 triệu USD. Lũy kế 6 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng, thanh long, chuối... đều là những mặt hàng trái cây đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm 2024. Bên cạnh đó, các sản phẩm chế biến, các thị trường chủ lực cũng ghi nhận mức tăng 10-50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ trong vòng 2 tháng (tháng 5 và tháng 6/2024), chỉ tính riêng mặt hàng sầu riêng đã mang về 1,05 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cho nền kinh tế.

Thị trường chủ yếu của rau quả Việt Nam vẫn là Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan... Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam, ước đạt khoảng 2,2 tỷ USD (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023). Đứng thứ hai là thị trường là Hàn Quốc ước đạt 180 triệu USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là Hoa Kỳ, với trị giá xuất khẩu đạt gần 150 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để đưa các sản phẩm vào Hoa Kỳ cần nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ theo hướng bổ sung sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp để có thể tiêu thụ quanh năm, ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây.
Đánh giá về thị trường xuất khẩu của rau quả Việt Nam, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch hơn chục loại trái cây vào thị trường Trung Quốc, gồm: dưa hấu, măng cụt, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít. Đáng chú ý, mới đây Việt Nam và Trung Quốc đã ký tắt kết thúc đàm phán Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi, mở ra triển vọng xuất khẩu cho trái dừa Việt Nam. Dự kiến trong năm nay, Việt Nam và Trung Quốc sẽ ký Nghị định thư mới về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, chanh leo và ớt, tiếp tục mở rộng con đường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Đồng tình với nhận định trên, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm nay có thể đạt 7-7,5 tỷ USD, nếu như có thêm mặt hàng sầu riêng đông lạnh hoặc dừa tươi tham gia theo các thoả thuận đàm phán hiện nay của Việt Nam với Trung Quốc. Cùng với nguồn cung dồi dào có thể đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng có thể lập thêm kỷ lục mới trong năm nay.
Ban hành quy chuẩn về chế biến, bảo quản sau thu hoạch
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng đang tăng rất mạnh. Trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này đạt 450 triệu USD, tăng 107% so với tháng trước đó và tăng 34% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Tháng 6/2024, lượng sầu riêng xuất khẩu ước đạt 600 triệu USD. Như vậy chỉ trong vòng 2 tháng, xuất khẩu sầu riêng đã mang về 1,05 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 1,5 tỷ USD. Nhờ đó, sầu riêng tiếp tục dẫn đầu kim ngạch trong nhóm rau quả xuất khẩu chủ lực của nước ta, gấp gần 4 lần so với thanh long - loại quả từng đứng vị trí đầu bảng trong nhóm rau quả xuất khẩu.
Tuy là mặt hàng rau quả xuất khẩu chủ lực của nước ta nhưng gần đây một số lô hàng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam vẫn bị cảnh báo do nhiễm chất cấm. Cụ thể, Trung Quốc đã phát cảnh báo hơn 30 lô sầu riêng nhiễm cadimi. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã lập đoàn công tác kiểm tra, lấy các mẫu (gồm đất, nước, phân bón…) tại nhà máy, vùng trồng có trong danh sách cảnh báo. Hiện Cục đang tiếp tục lập tổ công tác kiểm tra lần thứ hai và trao đổi với các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, vùng trồng, dự kiến trong tháng 7 sẽ có kết quả. Khi đó, Cục sẽ công bố thông tin và làm việc với phía Trung Quốc để tìm cách xử lý vấn đề này.
Trước tình trạng này, cơ quan quản lý lưu ý các doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra chất cấm ngay tại vườn, cơ sở đóng gói để bảo đảm chất lượng cũng như thương hiệu sầu riêng Việt Nam.
"Thị trường Trung Quốc rất rộng cửa, nhưng chất lượng hàng rau quả lại chưa ổn định. Vẫn còn một số lô hàng bị cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vừa qua, đề án Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) đã được Chính phủ phê duyệt, mở ra công cụ mới để thúc đẩy chất lượng rau quả xuất khẩu", ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai ngành hàng sầu riêng niên vụ năm 2024, bà Ngô Tường Vy, Phó Chủ tịch Hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng, sầu riêng vẫn là trái cây phát triển tốt trong nhiều năm tiếp theo. Ngoài thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu đang mở rộng thị trường sang nhiều nước trên thế giới có tiềm năng như: Ấn Độ, các nước khu vực châu Á… Song để ngành sầu riêng phát triển, xuất khẩu thuận lợi thì Việt Nam cần ban hành quy chuẩn về chế biến, bảo quản sau thu hoạch để cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu có cơ sở thực hiện. Hiện nay, các doanh nghiệp áp dụng quy chuẩn chế biến của các nước nhập khẩu sầu riêng để bảo quản, sơ chế, chế biến và xuất khẩu sang thị trường mà doanh nghiệp hướng đến. Do đó, Việt Nam cần đồng bộ quy trình này để hoạt động của doanh nghiệp được thuận lợi. Về việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến phía Việt Nam cần xúc tiến, đàm phán với Trung Quốc để hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ sầu riêng cũng như các loại trái cây khác của Việt Nam được thuận lợi và chính ngạch.

Nguồn: Haiquanonline