Tổng công ty giấy Việt Nam sẽ đặc biệt chú trọng tới công tác tiếp thị, tìm kiếm thị trường, quan tâm nhiều đến thị trường xuất khẩu, kịp thời điều chỉnh mặt hàng sản xuất và giá cả sản phẩm cho phù hợp; nâng cao chất lượng dự tính dự báo thị trường sát với diễn biến tình hình trong nước và quốc tế. Tổng công ty nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường trong nước, tổ chức mạng lưới tiêu thụ trên nhiều vùng và có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sử dụng giấy trong nước với chất lượng ngày càng cao.

Năm 2009, xác định còn nhiều khó khăn do giá cả một số vật tư, nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào vẫn biến động theo chiều hướng phức tạp, cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước ngày càng gay gắt, Tổng công ty giấy Việt Nam tích cực áp dụng các biện pháp về quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu giảm chi phí, hạ giá thành. Tổng công ty hoàn thiện việc quản lý theo ISO 9001-2000, mở rộng phạm vi sử dụng, đa dạng nguyên liệu; nghiên cứu tìm kiếm thêm các loài và giống cây trồng mới có năng suất và hàm lượng xơ sợi cao, đặc biệt cho các vùng trồng rừng mở rộng; tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hoá vật tư, nguyên liệu đầu vào để tránh áp lực tăng giá của nguyên liệu nhập khẩm, giảm chi phí đầu vào trong sản xuất. Tổng công ty mở rộng diện tích rừng trồng sang các tỉnh như Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái; hoàn thiện việc cấp giấy chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, tạo nguồn vốn tập trung bằng cách đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư, phát hành cổ phiếu, tham gia liên doanh, liên kết với các công ty trong và ngoài nước.

Năm 2008, doanh thu của Tổng công ty đạt 5.672,5 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm 2008 và bằng 124% so với thực hiện cùng kỳ năm trước. Sản lượng giấy tăng 10,4% so với sản xuất năm 2007, lợi nhuận tăng 45% so với năm trước. Doanh thu xuất khẩu của tổng công ty đạt khoảng 36 triệu USD.

Nguồn: Vinanet